Theo chỉ huy Không quân Mỹ tại khu vực, hàng loạt vụ đụng độ trên không gần đây giữa máy bay quân sự Mỹ và các máy bay TQ, Nga ở Thái Bình Dương là kết quả của chiến lược ngày một quả quyết hơn từ hai đối thủ của Mỹ khi họ nỗ lực phô diễn sức mạnh vượt khỏi biên giới đất nước.
Tướng Herbert Hawk Carlisle, phụ trách không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, hải quân và không quân TQ "đang tiếp tục hoạt động rất mạnh mẽ và trở nên tích cực hơn tại các vùng biển, không phận quốc tế ở châu Á.
|
Chiếc Su-27 của TQ đánh chặn máy bay tuần tra
của Mỹ. Ảnh: AP
|
"Họ vẫn nói về thời gian nhịn nhục trong thế kỷ trước. Họ vẫn nói đây là một TQ trỗi dậy. Họ vẫn nói đó là thể hiện quốc gia vĩ đại và họ muốn tiếp tục duy trì điều đó", ông Carlisle nói trong một cuộc phỏng vấn.
Carlisle nói, các lực lượng Mỹ và TQ thường xuyên 'đụng' nhau ở các phần của Biển Đông và Hoa Đông - nơi họ hiếm khi chạm trán trong quá khứ. Kể từ khi đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động hai năm trước đây, hải quân TQ đã tiến hành nhiều hoạt động xa bờ và tuần tra chặt chẽ các khu vực ở vùng biển tranh chấp, nơi các công ty dầu khí TQ cũng đang hoạt động thăm dò khai thác.
Những động thái này khiến quân đội Mỹ phải triển khai các tàu và máy bay trinh sát nhằm theo dõi diễn biến. Quân đội TQ thường phản ứng bằng cách tiến hành chặn máy bay Mỹ khi cả hai hoạt động ở vị trí khá gần, Carlisle nói. "Tất cả đã khiến căng thẳng gia tăng", ông nhấn mạnh.
Theo các quan chức Mỹ, một trong những lần chạm trán ấy thậm chí đã vượt khỏi tầm kiểm soát vào tháng 8, khi một máy bay chiến đấu TQ J-11 bay áp sát máy bay tuần tra Poseidon P-8 của hải quân Mỹ. Phó đô đốc John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết máy bay TQ bay sượt ngang dưới bụng chiếc P-8, sau đó làm một cú dựng đứng, cắt mặt một góc 90 độ ngay trước mũi phi cơ đối phương. Sự việc diễn ra khi P-8 thực hiện chuyến bay thường lệ phía trên hải phận quốc tế cách đảo Hải Nam khoảng 220km về phía đông.
Vào thời điểm đó, quan chức Lầu Năm Góc đã phản đối công khai và đưa ra các hình ảnh chụp được vụ việc, coi đó là bằng chứng cho thấy hành xử vô trách nhiệm của phi công TQ. Họ nói, phía TQ cũng đã thực hiện ba vụ chặn nguy hiểm khác với các máy bay Mỹ hồi đầu năm nay.
Về phần mình, ông Carlisle tỏ ra thận trọng hơn khi nói rằng, ông không cho là các nhà lãnh đạo quân sự TQ đang tìm cách khiêu khích, để kích động một cuộc xung đột. "Cá nhân tôi không cho rằng cần thiết phải phóng đại sự việc", ông nói. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận "cơ hội cho điều gì đó có thể diễn ra sai lầm" sẽ gia tăng khi TQ tập trung vào sức mạnh quân sự và hành động ở phạm vi xa hơn biên giới quốc gia.
Để ngăn chặn việc này, Lầu Năm Góc đã cố gắng tăng cường kênh thông tin liên lạc và mở rộng quan hệ chính thức với quân đội TQ. Song họ cũng thừa nhận rằng, vấn đề không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều.
Trong khi Lầu Năm Góc đối mặt với hoạt động quân sự gia tăng của TQ ở Thái Bình Dương, thì họ cũng gặp thách thức từ một nước Nga trỗi dậy, đang thực hiện các sứ mệnh trinh sát và ném bom tầm xa hơn trong khu vực và thậm chí còn tiếp cận lãnh thổ Mỹ.
Ngày 17/9, các máy bay chiến đấu Mỹ đã phải ngăn chặn một số máy bay quân sự Nga gồm: 2 máy bay chiến đấu, 2 máy bay ném bom tầm xa và 2 máy bay tiếp dầu - khi chúng bay ở không phận quốc tế gần bờ biển Alaska. Quan chức Mỹ cho biết, họ cũng chứng kiến ngày càng có nhiều máy bay ném bom Nga bay gần Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Theo Carlisle, hoạt động của máy bay Nga là một phần chiến lược của Tổng thống Vladimir Putin "nhằm đưa Nga vào một vị trí thích hợp và đúng đắn trong trật tự quốc tế". Nga cũng không ngại ngần thách thức các chuyến bay trinh sát của Mỹ hoạt động ở gần lãnh thổ. Hồi tháng 4, một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã bay cách máy bay RC-135U của không quân Mỹ khoảng 30m khi máy bay Mỹ hoạt động ở không phận quốc tế phía trên biển Okhotsk.
Thái An (theo
Guardian)