Các chỉ số báo cáo cho thấy nền kinh tế "tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", Bộ trưởng Phạm Quang Vinh lạc quan, GDP cả năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 5,8% và có thể cao hơn.


{keywords}
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh: Minh Thăng

Tại phiên họp sáng 9/10, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo quan trọng của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Trình bày báo cáo tại UBTVQH, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh dẫn những con số thống kê mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy nền kinh tế "tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực". Chỉ số quan trọng GDP trong bản báo cáo gửi trước phiên họp sáng nay của UBTVQH đạt 5,54% được Bộ trưởng cập nhật lại là 5,62%, mức Bộ trưởng tổng kết rằng "cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (5,14%)".

Các chỉ số báo cáo cho thấy nền kinh tế "tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", Bộ trưởng Vinh lạc quan, GDP cả năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 5,8% và có thể cao hơn.

Theo Bộ trưởng, mức "có thể cao hơn" dựa trên dự báo của Bộ Công Thương là năm nay sẽ vượt trên 1 triệu tấn dầu thô khai thác và xuất khẩu, 10,5 triệu tấn than khai thác và xuất khẩu, kéo theo GDP 2014 có thể tăng ở mức 5,97%. Nhưng ông cũng nhấn mạnh mức tăng trưởng đó chỉ có thể đạt với điều kiện dự báo về tăng trưởng nông nghiệp và khu vực dịch vụ không giảm sút.

Về chỉ số CPI, Bộ trưởng báo cáo dự kiến cả năm 2014 đạt khoảng từ 4,5 đến 4,6%.

Cập nhật đến thời điểm hiện tại, theo Bộ KH&ĐT, dự báo sẽ có 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2014 đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chỉ duy nhất chỉ tiêu lao động qua đào tạo là không đạt kế hoạch (đạt 49% so với chỉ tiêu QH giao là 52%).

UB Kinh tế thẩm tra đánh giá cho rằng, những kết quả đạt được về hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong các năm qua được xác định là động lực để các doanh nghiệp hoạt động ngày càng có hiệu quả; các nguồn lực dành cho phát triển được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và những khó khăn bị dồn nén từ nhiều năm tiếp tục bộc lộ ngày càng rõ hơn. 

2015 tăng trưởng cao hơn

Với đà tăng trưởng của 2014, Chính phủ dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tham vọng đạt mức cao hơn. Theo đó, dự kiến GDP 2015 tăng khoảng 6,2%, bội chi khoảng 5%, CPI khoảng 5%.

Bộ trưởng cho hay, Chính phủ tiếp tục xác định tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh...

Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 4 năm 2011-2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, UB Kinh tế cho hay:

"Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như căng thẳng ở Biển Đông, nhất là việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, bất ổn ở Trung Đông, tình hình Ukraina, dịch bệnh Ebola, cùng với kinh tế – xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, kinh tế nước ta cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của QH đề ra".

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn như việc cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo,  UB Kinh tế nêu rõ.

Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873) . Bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch . Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07%, đến cuối tháng 7/2014 là 4,11%).

Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định....

Theo UB Kinh tế, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đề nghị trong thời gian tới không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” xem đây như là công việc thường xuyên của Chính phủ mà cần tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”.

Linh Thư