- Phó Viện trưởng Viện chiến lược đầu tư (Bộ KH&ĐT) Bùi Tất Thắng chia sẻ với các nhà khoa học tham gia tọa đàm "giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị" rằng, sau nhiều năm tham gia nghiên cứu, đây là lần đầu tiên ông dự một cuộc bàn thảo công khai về đổi mới chính trị.
Cuộc tọa đàm do tạp chí Cộng sản tổ chức hôm nay (10/5), với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chiến lược và học viện lớn. Quan điểm chung của các nhà nghiên cứu, đó là sau hơn 20 năm đổi mới, thể chế kinh tế phát triển chưa tương thích với thể chế chính trị. Yêu cầu bức thiết đặt ra là đổi mới kinh tế phải song hành với đổi mới chính trị, và đây là chuyện không thể né tránh vì "nhạy cảm".
Như PGS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản chỉ ra, nếu không có sự đổi mới đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp thì đôi lúc thể chế chính trị và thể chế kinh tế thành cản trở và hạn chế lẫn nhau.
Không thể né tránh
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện
trưởng Viện chiến lược và khoa học, Bộ Công an) phân tích, sự trì trệ, yếu kém và
tha hóa của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị đã cản trở phát triển
kinh tế - xã hội. Do đó, đổi mới chính trị mạnh mẽ là để góp phần củng cố vai trò
lãnh đạo của Đảng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (phải): Cần khắc phục tình trạng tha hóa, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ảnh: Lê Nhung
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí Dương Xuân Ngọc chia sẻ, trong khi đổi mới kinh tế được nghiên cứu kỹ thì các vấn đề về đổi mới chính trị lại chưa được đề cập nhiều, thậm chí đôi khi né tránh, trong khi đây là mối quan hệ biện chứng và hỗ trợ lẫn nhau. Bởi lẽ, theo ông Ngọc, chỉ có xây dựng một thể chế bền vững dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền thì mới có thể hạn chế được tầm ảnh hưởng của một vài cá nhân đến lợi ích toàn cục.
Các nhà khoa học cũng dùng nhiều hình ảnh ví von để nói về tốc độ "khập khiễng" giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Quan điểm chung là không nên tiếp tục né tránh câu chuyện đổi mới chính trị. Mọi việc cần phải được thảo luận công khai. Nói như PGS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản, tìm ra mối liên hệ giữa đổi mới kinh tế và chính trị là để hiểu rõ, nắm vững và giải quyết tốt trong thực tế, chứ không phải cái nhìn phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
Đổi mới từ trên xuống
Cũng như đổi mới kinh tế, các bước đi đổi mới chính trị cần theo lộ trình và chọn những khâu đột phá.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, điểm nghẽn đầu tiên cần khắc phục là tình trạng tha hóa, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có trọng trách cao ở các cấp.
Tiếp theo là thực hiện tôn chỉ đề ra trong điều lệ và nghị quyết của Đảng, là phát huy quyền làm chủ của dân, thực hiện cơ chế giám sát trong Đảng và giám sát của nhân dân với hoạt động của Đảng. "Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ", Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Điểm cốt yếu thứ ba là thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với tất cả chủ trương, chính sách, kế hoạch và đề án phát triển kinh tế, xã hội của các cơ quan công quyền.
Ông Cương cho rằng, hệ thống giám sát quyền lực của Đảng và Nhà nước hiện nay hoạt động thiếu hiệu quả không phải do sự yếu kém của bộ máy kiểm tra mà chủ yếu do cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành không phù hợp.
Ông Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, một trong các trọng tâm phải xác định sắp tới là đột phá vào khâu cán bộ, vì "uy tín của Đảng chính là ở đây". Ngoài ra, hệ thống chính trị phải đáp ứng yêu cầu thị trường, năng động, gọn nhẹ. Hiện bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, còn can thiệp quá sâu vào kinh tế. Mặt khác, lại chưa khắc phục được triệt để những hạn chế như điều hành theo mệnh lệnh hành chính, quan liêu.
Một đột phá quan trọng, theo ông Hiệp, là Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, không quá ôm đồm và làm thay việc.
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí Dương Xuân Ngọc khẳng định, đổi mới chính trị phải bắt đầu từ cấp cao nhất. Đại hội Đảng lần thứ 8 lấy "ổn định" làm tiền đề, nhưng nếu đến nay vẫn tiếp tục giữ mục tiêu ổn định là thể hiện tinh thần e ngại, không dám đổi mới. Và như vậy không đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc.
"Chỉ có đổi mới chính trị và kinh tế mới làm tiền đề cho phát triển. Các khâu đổi mới phải từ trên xuống, từ trong Đảng ra ngoài xã hội", ông Ngọc khẳng định.
Dù còn có quan điểm khác nhau về phạm vi đổi mới chính trị, nhưng điểm thống nhất chung của các diễn giả, đó là phải thảo luận sâu rộng hơn nữa chủ đề này. Và phải tiến hành đồng thời cả đổi mới kinh tế lẫn chính trị mới thúc đẩy sự đổi mới toàn diện.
-
Lê Nhung