Việt Nam đã tham gia ổn định khu vực có bất ổn định, chiến tranh, biến động và tham gia nhiệm vụ nhân đạo như quân y, công binh, rà phá bom mìn...
Đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ, để thảo luận về các hoạt động tham gia gìn giữ hoà bình của Việt Nam trên thế giới.
Nhân dịp này, Phóng viên thường trú Đài TNVN thường trú tại Mỹ phỏng vấn Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về các hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam.
Thưa Trung tướng, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa có chuyến thăm và làm việc tại New York và Washington DC, xin ông cho biết những nội dung cụ thể cũng như những kết quả của chuyến công tác này?
Trung tướng Võ Văn Tuấn: Tiến trình Việt Nam quyết định tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã diễn ra được 10 năm (từ năm 2005 đến nay). Chuyến đi của chúng tôi lần này nhằm cụ thể hóa những nội dung mà chúng ta dự kiến triển khai, nhất là sau khi đã có quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 12/2013 về việc thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, chúng ta đã chính thức làm lễ ra mắt Trung tâm gìn giữ hòa bình, với sự chứng kiến của nhiều quan chức quốc tế, trong đó đặc biệt là có Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách hỗ trợ thực địa gìn giữ hòa bình, bà Ameerah Haq. Đồng thời, đây cũng là lễ tiễn hai sĩ quan liên lạc của chúng ta sang làm việc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan.
Trung tướng Võ Văn Tuấn |
Tại trụ sở Liên Hợp Quốc, chúng tôi tiếp xúc với đại diện Cục gìn giữ hòa bình, Cục hỗ trợ thực địa và trực tiếp làm việc với Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Edmond Mulet và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách hỗ trợ thực địa, bà Ameerah Haq.
Các cơ quan Liên Hợp Quốc đều đánh giá cao Việt Nam đã chuẩn bị rất tích cực, chu đáo và nghiêm túc cho tiến trình này. Chúng ta cũng xác định đây là một trong những cơ hội để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là bản Hiến pháp mà chúng ta mới sửa đổi vào năm 2013 và phía Liên Hợp Quốc cũng rất tin tưởng là lực lượng của Việt Nam sẽ làm việc tốt.
Tại Washington DC, chúng tôi đã làm việc với các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội David Shear, người rất am hiểu Việt Nam và đóng góp tích cực cho việc chúng ta tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cũng tiếp xúc với Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách gìn giữ hòa bình, Anne A. Witkowsky, cũng như đại diện Hội đồng Tham mưu Liên quân để trao đổi các công việc liên quan đến nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm việc với lãnh đạo của Viện nghiên cứu hòa bình Hoa Kỳ để trao đổi các kết quả nghiên cứu cũng như thực nghiệm trong các phái bộ Liên Hợp Quốc.
Trước chuyến đi, chúng tôi đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, tân Đại sứ Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, để phối hợp triển khai việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc. Những nội dung này đã được chúng tôi trao đổi tương đối kỹ để khi đoàn về nước thì Đại sứ Nguyễn Phương Nga sẽ chỉ đạo thực hiện nội dung liên quan đến các văn bản pháp lý mà Liên Hợp Quốc cung cấp.
Thưa Trung tướng, hiện Việt Nam đang tham gia và có những đóng góp gì cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc?
Chúng ta tham gia ổn định khu vực có bất ổn định, có chiến tranh, biến động, và tham gia nhiệm vụ nhân đạo như quân y, công binh, rà phá bom mìn,… chứ chúng ta không tham gia tác chiến, cưỡng chế. Đây là nguyên tắc thứ hai rất quan trọng mà lực lượng chúng ta tham gia. Vì vậy, chúng tôi dự kiến là trên tiêu chí của Liên Hợp Quốc, chúng ta sẽ thành lập một bệnh viện dã chiến cấp hai, một đại đội công binh để khi nào có đủ điều kiện tiêu chuẩn và Liên Hợp Quốc kiểm tra, xác định thì chúng ta sẽ đưa lực lượng này vào địa bàn phù hợp, nhất là đảm bảo an ninh cho lực lượng của chúng ta tham gia.
Việc lực lượng này có tham gia phái bộ tại Nam Sudan hay không thì vẫn chưa được quyết định nhưng chúng tôi sẽ đi Nam Sudan khảo sát và tiếp tục làm việc về khả năng này.
Như ông vừa nói thì Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ có chuyến thăm sắp tới tới Nam Sudan, xin ông nói tõ hơn về mục đích của chuyến đi này?
Chúng tôi đến Nam Sudan lần này nhằm thăm quan, thị sát lực lượng thực tế gồm một bệnh viện dã chiến cấp hai của Campuchia và một đơn vị công binh của Nhật Bản đang triển khai tại phái bộ này, đồng thời kiểm tra 2 sĩ quan liên lạc của chúng ta đã làm việc tại đây từ tháng 6 đến nay.
Qua thông báo thì kết quả làm việc của hai sĩ quan của chúng ta rất tốt. Chúng tôi đề nghị và đã nhận được sự đồng ý kéo dài thời hạn thực hiện nhiệm vụ của hai sĩ quan này thêm 6 tháng nữa, tức là tròn một năm.
Tóm lại, trong đợt làm việc này, chúng ta đã đăng ký với Liên Hợp Quốc để triển khai bệnh viện dã chiến cấp hai và đại đội công binh tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng khẳng định triển khai những nội dung cụ thể để làm sao tiến tới ký kết được một biên bản ghi nhớ với Liên Hợp Quốc trong tương lai. Như tôi đã nói, dự kiến sẽ là một bệnh viện dã chiến cấp hai và một đơn vị công binh cấp đại đội, và tiếp đó triển khai tìm kiếm xem nguồn kinh phí hỗ trợ như thế nào, xây dựng kế hoạch giải ngân của các bên liên quan ra sao và sau đó về báo cáo để xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện.
Theo VOV