- Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội trong buổi họp tổ của QH sáng nay (21/10), không ít ĐB đã dùng từ "đáng lo ngại" để nói về tình trạng nợ công.

>> Thủ tướng: 'Nợ công tăng nhanh'
>> 
Nguy cơ lớn nhất là ảo tưởng về an toàn nợ công

Đánh giá về nền kinh tế năm qua, các ĐB ghi nhận những nỗ lực trong điều hành của CP. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) thấy CP đã điều hành "năng nổ, quyết đoán, nhanh nhạy".

"Thành tựu 9 tháng vừa qua cũng cho thấy đường hướng cơ bản tái cơ cấu nền kinh tế với 3 đột phá là đúng hướng, đã đưa lại kết quả. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy mà chúng ta vẫn tăng trưởng dương", ĐB Thanh Hóa nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhận định tăng trưởng kinh tế đã góp phần tích cực để năm 2015 có bước chuyển mạnh hơn.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng thấy xét tổng thể cả nền kinh tế, Chính phủ đã có một cố gắng rất lớn. "Nền kinh tế không phát triển mạnh được là bởi chúng ta có một gánh nặng an sinh xã hội rất lớn, tổng chi an sinh xã hội là 18%, rất cao".

{keywords}
Các ĐB tại tổ TP.HCM. Ảnh: Phạm Hải

Tuy nhiên, các ĐB vẫn lo lắng về vấn đề nợ công. ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định), UB Tài chính - Ngân sách QH không ngần ngại chỉ ra nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2015 chính là "tập trung vào trả nợ".

Những "con số công khai, không có gì bí mật" được ông viện dẫn để cho thấy "nợ công đang tăng rất nhanh, cả về quy mô và tốc độ: Năm 2010 nợ công chỉ 1,115 triệu tỷ đồng, chiếm 51,7% GDP, một con số có thể yên tâm. Nhưng đến năm 2013 đã hơn 1,9 triệu tỷ, năm 2014 gần 2,4 triệu tỷ, dự kiến 2015 gần 2,9 triệu tỷ, chiếm trên 64% GDP.

"QH phê chuẩn nợ công đến 2020 chỉ 65% GDP, nếu từ giờ không xử lý thì không còn phần trăm nào để tăng nữa", ông Chiểu nhận định nếu tính hết cả những khoản "chưa theo dõi, chưa ghi chép" thì con số còn cao hơn.

ĐB Nam Định cũng chỉ ra nghĩa vụ trả nợ đã tăng đột biến qua 3 năm qua: 2013 là 22,3% tổng thu ngân sách nhà nước, 2014 là 26,2%, dự kiến 2015 là 32,9%.

"Nhưng điều UB Tài chính rất lo ngại là nguồn lực có để trả nợ không?", ông Trần Quang Chiểu đặt câu hỏi. "Trong 3-4 năm gần đây chúng ta không có đủ, phải vay để đảo nợ, dự kiến 2015 tỉ lệ gần 50%".

Ủy viên UB Tài chính - Ngân sách QH cũng chỉ ra những bất cập của tình hình nợ công: Ưu điểm là đã chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước, giảm vay ngoại tệ sang vay đồng VN trong dân. Nhưng nhược điểm là huy động thời gian ngắn, ví dụ trái phiếu Chính phủ chỉ 2-3-5 năm, nhưng lại cho đầu tư dài hạn 10-20 năm.

"Đã phát sinh tình trạng từ nợ dự phòng thành nợ chính thức: Chính phủ bảo lãnh doanh nghiệp vay, doanh nghiệp có trách nhiệm làm ăn hiệu quả để trả nợ, nhưng nhiều chương trình dự án kém hiệu quả, đến kỳ hạn không trả được nợ, phá sản, Chính phủ phải ứng chi phí trả nợ, cơ cấu lại nợ, lấy tiền thuế của dân ra gánh", ông Trần Quang Chiểu nói.

Thế nên, ĐB Nam Định cho rằng "vấn đề nợ công, bội chi và tình hình ngân sách ở VN rất khó khăn trong ngắn hạn; trong dài hạn cần có biện pháp tích cực khắc phục, tìm được nguồn từ thực lực của nền kinh tế chứ không phải nguồn đảo nợ, giảm được bội chi ngân sách".

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng nhận định vay để trả nợ không ổn. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh "đánh giá một cách thực tế mới có giải pháp".

Chủ tịch HĐND TP.HCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận định nợ công "đang báo động": theo cách tính của Chính phủ thì hôm nay chưa kịch trần, nhưng cứ tính mà xem, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ Ngân hàng chính sách, BHXH, đầu tư xây dựng... đều là ngân sách nhà nước trả, đã tính vào nợ công chưa?

"Chúng ta cứ nói để động viên, vỗ về nhau thì không ổn, cần đánh giá thẳng thắn hơn. Đó là trách nhiệm của mọi người, không đổ lỗi cho ai được", bà Quyết Tâm nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Dương) thì băn khoăn cơ sở để nhận định "năm tới nợ công sẽ giảm xuống". "Cứ đi vay để trả nợ thì lấy đâu mà phát triển", ông Vân nói.

Vì vậy theo ông Trần Quang Chiểu, để trả nợ, ngoài biện pháp số một là phát triển kinh tế thì phải có cách quản lý ngân sách và nợ công hiệu quả hơn.

"Phải hạn chế đến mức tối thiểu những chương trình, dự án Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay, hạn chế cho vay trực tiếp mà tăng việc vay về cho vay lại thông qua các định chế tài chính, xem lại các chính sách ưu đãi thuế, chi đầu tư phát triển toàn xã hội phải phải đạt ít nhất 6-7% GDP...", ủy viên UB Tài chính - Ngân sách kiến nghị.

C.Hoàng - C.Quyên - X.Linh - H.Nhì