- Thảo luận dự thảo luật Nhà ở sửa đổi hôm nay, nhiều ĐBQH đồng tình với quy định người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Dự án luật quy định đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại VN như quy định của luật này và pháp luật có liên quan; DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại VN, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN.
Hình thức sở hữu nhà ở cũng đa dạng hơn trước khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại VN theo pháp luật; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình với quy định người nước ngoài được sở hữu nhà. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) còn đề nghị mở rộng quyền sở hữu nhà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài hơn nữa, như có quyền cho thuê lại để đảm bảo công bằng với công dân VN.
Về vùng khó khăn mới được hưởng nhà công vụ
"Từ nơi khó khăn luân chuyển về thành phố, thị xã cũng là theo yêu cầu công tác, mà đang ở những nơi thuận lợi đi về vùng sâu vùng xa cũng là theo yêu cầu công tác. Hai đối tượng này đang bất bình đẳng về quyền được hưởng nhà công vụ", ông Hà đề nghị nhà nước chỉ đầu tư nhà công vụ cho những người đi nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn.
"Các đồng chí công tác ở những nơi thuận lợi có những ưu thế không tính được bằng tiền. Ở các địa phương khác thế nào không biết, nhưng ở nội thành Hà Nội, các bộ không những được hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng tiền nhà, mà còn không bao giờ lo mất điện, mất nước, chữa bệnh ở bệnh viện tốt, con cái đi học trường tốt..."
ĐB Trần Ngọc Vinh: Hưởng nhà công vụ chỉ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ |
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình: Dự thảo đưa ra nhiều chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, hãy đưa một phần đối tượng vốn được hưởng chính sách nhà công vụ tiếp cận thị trường nhà ở xã hội, qua đó tiết kiệm ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nhà công vụ trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Ông Vinh đề nghị đối tượng hưởng nhà công vụ chỉ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ.
"Các đối tượng thực thi công vụ khác chỉ được hưởng chế độ này khi được luân chuyển hoặc tự nguyện về làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới hải đảo. Những vùng này cũng nên có chính sách phát triển nhà công vụ để có cơ sở vật chất thu hút cán bộ", ông Vinh nói.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng thấy nhà nước không nên lo hết nhà công vụ cho tất cả các đối tượng như dự thảo luật, mà nên tính tiền nhà theo lương để tất cả mọi người đều được hưởng.
"Chúng ta cứ lo xây dựng nhà công vụ nhưng nhiều người ở nhà thì chiếm nhà luôn thì rất khó", ông Thuyền nói.
Chính vì vậy, ĐB Chu Sơn Hà cũng muốn luật quy định rõ chủ thể quản lý nhà công vụ: "Không để cơ quan hành chính nhà nước quản lý, dẫn đến việc nhiều người hết thời hạn công tác không trả lại nhà mà cơ quan hành chính không thể khởi kiện ra tòa".
Dự thảo luật cũng đưa ra phương án lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thấy việc yêu cầu nhà đầu tư nhà ở thương mại trích diện tích làm nhà ở xã hội là không khả thi.
ĐB Lê Đắc Lâm: Yêu cầu nhà đầu tư nhà ở thương mại trích diện tích làm nhà ở xã hội là không khả thi |
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) không tán thành việc lập quỹ trung ương.
"Nên khuyến khích địa phương làm, trung ương chỉ hỗ trợ, không làm thay. Trong tương lai nên đưa trách nhiệm lo nhà ở cho dân vào luật Chính quyền địa phương. Nguồn thì có thể từ ngân sách, đóng góp của doanh nghiệp, người mua nhà góp tiền để nhận nhà trong tương lai".
Nhưng Phó chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Phúc (ĐB Hà Tĩnh) lại đồng tình lập quỹ phát triển nhà ở xã hội tập trung của quốc gia, có chi nhánh ở các địa phương.
"Ta hay mặc cảm việc cứ ra luật là có quỹ, nhưng nếu quản lý hiệu quả thì quỹ này sẽ rất có ích. Giống như ở Singapore, thu nhập đầu người 60.000USD/năm mà 80% dân số vẫn ở nhà thuê từ nguồn do nhà nước quản lý", ông Phúc nói.
Theo ông, nhiệm vụ của luật Nhà ở sửa đổi là làm rõ chính sách phát triển nhà ở, đặc biệt là kéo được giá nhà về mức thực tế.
Chung Hoàng
- Ảnh: Minh Thăng