- Có nhiều hãng nước ngoài tự dưng nổi hứng làm khảo sát tỷ như thời gian, thủ tục làm sổ đỏ, giấy phép xây dựng, cho đến dịch vụ tang lễ, rồi lại xếp hạng với các nước châu Á thì mừng biết bao. Chỗ này chỗ kia bị chê ít nhiều cũng phải thay đổi...

Mấy hôm nay có rất nhiều ý kiến về 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Không biết hãng quốc tế nào đó tự nhiên lại xếp 2 sân bay hoành tráng nhất Việt Nam vào tốp 10 sân bay có chất lượng dịch vụ thấp nhất châu Á.

Oái oăm ở chỗ hai sân bay cũng có cố gắng cái này, cái kia, chất lượng dịch vụ so với những năm 80 của thế kỷ trước rõ là khá hơn. Mà xếp hạng kiểu gì lại chẳng thấy hỏi nhà chức trách lấy một câu, lại hỏi khách đi máy bay.

Thế là nhà chức trách lên tiếng, rồi cấp trên của nhà chức trách lên tiếng. Rồi thì, may quá sẽ đi kiểm tra xem thực hư thế nào. Mà đã kiểm tra thì sau đó ít nhiều cũng khá lên chút chút. Nó cũng giống như ga Hàng Cỏ mấy chục năm gần như bảo tàng, giữ nguyên hiện trạng cho đến khi Bộ trưởng ngành thị sát,chỉ đạo thì mới đây nhất đã có chuyển chút ít.

Cho nên, mới ôi chao, ước gì có nhiều hãng nước ngoài kiểu như vậy tự dưng nổi hứng làm cái khảo sát tỷ như giá xăng, giá điện, thời gian, thủ tục làm sổ đỏ, giấy phép xây dựng, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, chất lượng giáo dục công lập, cho đến cả dịch vụ tang lễ như ở phố Phùng Hưng thành phố Hà Nội, rồi lại xếp hạng với các nước châu Á thì mừng biết bao. Mừng ở chỗ, Chính phủ thì đỡ phải chi tiền từ ngân sách nhà nước để tự làm điều tra, khảo sát, vì nghe đâu làm món này rất tốn và sau rốt hưởng lợi chắc chắn là người dân. Chỗ này bị chê, chỗ kia bị chê ít nhiều cũng phải thay đổi và đấy mới là cái đích để hướng tới, để thay đổi phục vụ dân tốt hơn.

Bước chuyển dần sang kinh tế thị trường và quá trình cải cách kinh tế, cải cách hành chính ở nước ta đang đòi hỏi có những sự thay đổi sâu sắc về tư duy và hành động của các cơ quan công quyền.

Dân, doanh nghiệp là khách hàng của hành chính. Đây là sự thay đổi hết sức cơ bản so với mối quan hệ hành chính - dân của hành chính công truyền thống, theo đó tính áp đặt một chiều từ phía hành chính đối với người dân là yếu tố chủ đạo. Nay coi dân là khách hàng thì các cơ quan nhà nước hãy xem khu vực tư nhân ví như nhà hàng, khách sạn, bệnh viện tư đối xử với khách hàng như thế nào mà học và làm theo.

Nói dễ, làm khó, cực khó. Thay đổi từ nói năng,giao tiếp, thay đổi từ cử chỉ, điệu bộ của công chức cho đến thủ tục, quy trình, hồ sơ, giấy tờ hành chính…

Hơn nữa, khách hàng của hành chính, của dịch vụ công chính là người đánh giá hành chính, đánh giá chất lượng dịch vụ công. Người thụ hưởng là người đánh giá chính xác nhất chất lượng dịch vụ. Dịch vụ sân bay Nội Bài có thể để nhà chức trách hàng không đánh giá, nhưng như vậy sự chính xác, sâu sát không thể bằng khách hàng đi máy bay có những trải nghiệm cụ thể. Cũng tương tự như vậy, đánh giá chất lượng dịch vụ của nhà tang lễ Phùng Hưng phải là khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà tang lễ chứ không nên là sở này, sở kia của Hà Nội.

Các cơ quan công quyền cũng phải học cách tiếp cận ý kiến của khách hàng. Đừng vội khi bị chê là phản ứng thái quá, vì nghĩ rằng dịch vụ cung cấp so với mươi năm trước đã khá hơn nhiều. Đúng là có khá hơn, nhưng mươi năm đó khách hàng trông đợi dịch vụ phải tốt hơn nữa mới thỏa đáng. Mươi năm mà được có vậy là không được. Một số cơ quan, một số vị lãnh đạo, quản lý đã học tốt câu chuyện này. Tuy nhiên, đó mới là thiểu số.

Điều cuối cùng, và đây lại là chuyện dài dài ở nước ta, đó là quy mô, phạm vi dịch vụ công mà các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đang cung cấp cho người dân, cho xã hội là quá lớn, quá mức cần thiết. Về lâu dài nên tập trung làm tốt một số loại dịch vụ công và như vậy sẽ có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng của những dịch vụ này.

Đinh Duy Hòa