- Trao đổi bên lề hội thảo trước Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chỉ ra theo thông lệ quốc tế, tội tham nhũng phải bị trừng phạt về kinh tế.

Hội thảo có chủ đề "Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở VN" tổ chức hôm nay (28/10) tại Hà Nội, nhằm chuẩn bị cho Đối thoại PCTN lần thứ 13 sẽ tổ chức ngày 26/11 tới.

- Theo báo cáo mới đây của CP, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt 22-23%, ông đánh giá thế nào về con số này? Nguyên nhân do đâu?

Bản thân con số đã nói lên đó là một tỉ lệ rất thấp, dù đã tăng so với năm 2013, và chắc chắn CP không hài lòng với con số này.

{keywords}
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Ảnh: Chung Hoàng

Phải nhìn rộng ra rằng tham nhũng là một loại tội phạm tinh vi, các đối tượng tham nhũng đều có hiểu biết, có quyền có chức, nên tài sản họ chiếm đoạt được thông thường cũng có nhiều cách phi tang. Chính vì vậy, việc truy tìm, phát hiện để sau đó thu hồi gặp rất nhiều khó khăn.

Ta có nhiều quy định khác nhau về việc này nhưng tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hành chính, thanh tra, kiểm tra. Như CP báo cáo, tỉ lệ thu hồi tài sản thông qua các biện pháp hành chính khá cao, gần 90%, nhưng số tiền nhỏ, chỉ vài chục tỷ đồng. Còn các vụ án lớn phải đi vào con đường tố tụng thì trong gần 7.000 tỷ đồng chỉ thu hồi được 1.500 tỷ.

Qua đó cho thấy về mặt thể chế còn nhiều vấn đề. Trọng tâm xử lý tham nhũng của ta dường như vẫn nhằm chủ yếu vào con người, mà chưa như cách tiếp cận của Công ước LHQ về chống tham nhũng: Đây là tội kinh tế, trừng phạt phải nhằm vào kinh tế thì mới ngăn ngừa và triệt tiêu được động cơ và mục đích của tội phạm.

Ta cũng có nhiều cơ quan tham gia phòng chống tham nhũng, nhưng đôi khi chính vì nhiều mà không hiệu quả. Các chuyên gia quốc tế đều khuyến cáo có cơ chế xử lý tập trung.

Việc truy tìm và thu hồi tài sản tham nhũng chưa được đặt là mục tiêu ưu tiên khi bắt đầu các vụ án, mà theo pháp luật tố tụng hiện nay, phải chứng minh có tội rồi mới nói đến tài sản. Trong khi ở các nước, vấn đề làm giàu bất chính được đặt ra rất quan trọng và trách nhiệm chứng minh là của đương sự. Một khối tài sản lớn bị nghi ngờ thì chưa cần xử lý, chỉ cần kê biên để không thể chuyển dịch, tẩu tán.

Thu hồi tài sản tham nhũng còn khó ở chỗ tài sản liên quan đến quyền con người, quyền sở hữu, cần rất thận trọng, đòi hỏi nhiều cơ quan tham gia để xác minh chủ sở hữu đích thực. Nếu chỉ xét về mặt hình thức pháp lý đơn thuần, những tài sản đứng tên vợ, con, người thứ ba sẽ rất khó thu hồi.

Cũng phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế vì kinh nghiệm cho thấy ở những nước như VN, nhiều tài sản tham nhũng được gửi ra nước ngoài. Công ước LHQ về chống tham nhũng tạo cơ chế cho việc thu hồi các tài sản này về nước, nhưng ta chưa quan tâm đúng mức vấn đề này.

- Những quy định phố biến trên thế giới về phòng chống tham nhũng như hình sự hóa tội làm giàu bất chính, giảm hình phạt tù tăng hình phạt kinh tế..., theo ông khi sửa đổi bộ luật Hình sự tới đây có thể đưa vào được?

Để sửa một bộ luật lớn, quan trọng như vậy phải căn cứ vào thực tiễn, nhu cầu phát triển của VN cũng như các điều ước quốc tế mà VN đã tham gia. Những quy định mới và hiện đại như vậy, nếu ta cố gắng nghiên cứu và nội luật hóa được, ít nhất thể chế của ta sẽ hội nhập, phù hợp thông lệ chung của quốc tế.

Chống tham nhũng và thu hồi tài sản, như các chuyên gia đã nói, không phải vấn đề của riêng VN mà của cả cộng đồng quốc tế. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, tài sản di chuyển rất nhanh thông qua các hành vi rửa tiền.

Chung Hoàng