Có chút công kích Mỹ trong bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây. Nhưng bên cạnh đó, Putin cũng "chìa" cho phương Tây chọn lựa rõ ràng: Hoặc làm việc với Moscow và các nền kinh tế đang trỗi dậy trong một trật tự toàn cầu cân bằng hơn, hoặc khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Trong "học thuyết chính sách đối ngoại mới" - như một số nhà bình luận Nga nói, ông Putin cho rằng, Mỹ đã tự công bố họ là người thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh và sau đó, trải qua hơn hai thập niên lại tìm cách thống trị thế giới thông qua kiểu "mệnh lệnh đơn phương".
|
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: imgarcade |
Phát biểu với các phóng viên và học giả nước ngoài ở Sochi, ông nói rằng, Mỹ
thường xuyên vi phạm quy tắc thông qua các hành động quân sự - đôi khi cùng với
NATO hoặc các đồng minh châu Âu - tại Kosovo, Afghanistan, Iraq và Libya. Bên
cạnh đó, Putin cáo buộc, họ thậm chí còn sử dụng các phần tử khủng bố Hồi giáo như những công cụ.
Tổng thống Nga khẳng định, điều đó khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn. "Mỹ
luôn phải vật lộn về những hậu quả từ chính chính sách của họ, dồn mọi nỗ lực
vào việc giải quyết rủi ro mà chính họ tạo nên", Putin nói.
Trong khi đó, phương Tây lại cáo buộc Nga vi phạm trật tự thời hậu chiến bằng
cách sáp nhập Crưm và can thiệp vào phía đông Ukraina. Lãnh đạo Nga trong khi
phủ nhận mọi sự hiện diện quân sự Nga ở lãnh thổ nước láng giềng thì cũng khẳng
định rằng, Moscow buộc phải phản ứng sau khi Mỹ ủng hộ một cuộc đảo chính quân
sự thiên về các nhóm cực hữu tại Kiev hồi tháng 2.
Lời qua tiếng lại, cộng với hàng loạt biện pháp cấm vận của phương Tây chống lại
Nga có thể khiến nhiều người cho rằng, đối thoại là ý tưởng xa vời. Tuy nhiên, đó
lại chính là điều Putin đề xuất. “Cách hợp lý là hợp tác giữa các quốc gia, xã
hội để tìm kiếm câu trả lời trước những thách thức ngày một gia tăng, và cùng
quản lý rủi ro", ông nói. "Cần một nền tảng pháp lý, chính trị và kinh tế cho
trật tự thế giới mới, cho phép sự an ninh và ổn định, trong khi thúc đẩy cạnh
tranh lành mạnh".
Việc ông Putin chỉ trích Tổng thống Mỹ Obama dường như chiếm ưu thế trong buổi
phát biểu. Một quan chức Nga cho
biết, đằng sau bài phát biểu của Putin, là sự thừa nhận mối quan hệ Nga - Mỹ
đang ở mức thấp nhất trong 30 năm qua và nỗ lực muốn thay đổi điều đó.
"Moscow sẵn sàng thảo luận nghiêm túc và cụ thể về vấn đề giải trừ hạt nhân, thảo
luận về những quy định khi việc can thiệp quân sự ở nước thứ ba được cho phép",
ông này nói.
Nghĩa là về mặt lý thuyết, việc này sẽ hạn chế khả năng của Moscow khi can thiệp
bên ngoài biên giới nhằm hỗ trợ các nước cộng hòa Liên Xô cũ nói tiếng Nga. Đồng
thời cũng hạn chế vai trò của Washington - đôi khi cùng với các đồng minh châu
Âu hoặc NATO - như một cảnh sát toàn cầu.
Nếu các đề xuất của ông Putin về những quy định và trật tự mới bị phớt lờ, thì
Nga cũng không đưa ra hăm dọa nào. Cáo buộc Moscow đang cố khôi phục đế chế Xô Viết là vô căn cứ, Tổng thống Putin khẳng định. Thay vào đó, thế giới sẽ bị đẩy
vào hỗn loạn. Putin còn bóng gió đến nguy cơ của những cuộc xung đột mới có sự
liên quan tới một số cường quốc, đặc biệt là ở "giao lộ lợi ích địa chính trị
của những nước lớn". Ông nói: "Ukraina là một ví dụ, và tôi nghĩ sẽ không phải
trường hợp cuối cùng".
Tatyana Stanovaya, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Nga cho rằng, lập
luận của ông Putin có nghĩa là "Nếu không có các quy định cho Mỹ, thì Nga cũng
như vậy". Alexander Rahr, chuyên gia hàng đầu của Đức nghiên cứu về Nga và
Putin bày tỏ sự tin tưởng rằng, Moscow "không tìm kiếm đối đầu". Chính sách thực
dụng sẽ được áp dụng, nhất là bởi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. "Mỹ cần Nga
trong đối phó với ISIS", ông nói. "Nó sẽ bắt đầu thay đổi mọi thứ".