- Bí thư huyện ủy Phúc Thọ yêu cầu cán bộ xã chỉ dành 20% thời gian làm việc cho cấp trên, 40% cho công việc của xã và 40% phải cho dân.
Hơn 200 người dân 12 xã, thị trấn của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) lần đầu tiên trong đời được mời đến dự cuộc họp góp ý xây dựng Đảng, chính quyền hôm 30/10. Người chủ trì đối thoại cùng dân không ai xa lạ chính là Bí thư huyện ủy Ngọ Duy Hiểu.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra đều gắn liền với đời sống của người dân.
Ông Đỗ Xuân Dần (xã Ngọc Tảo) đến cuộc họp chuẩn bị 28 nội dung để xin được giải đáp nhưng chỉ đủ thời gian đề cập một số vấn đề, trong đó có việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa.
Ông Đỗ Xuân Dần |
Một người dân khác nhắc lại câu chuyện giáo viên tham nhũng ở trường tiểu học Hiệp Thuận kéo dài hơn một năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. "Trong khi sự việc quá rõ ràng, có kết luận của UBND huyện nhưng bà hiệu trưởng trường tiểu học Hiệp Thuận vẫn chưa bị xử lý. Liệu có bao che gì không? Mong huyện ủy xử lý để trả lại môi trường giáo dục trong sạch vốn cần những người thầy cô có tâm có đức có tài".
Ông Cừ, một người dân ở xã Võng Xuyên phản ánh chuyện tiền dân đóng góp tu bổ tôn tạo đình chùa năm 2011, cán bộ trong xã không công khai cho dân biết.
"Đến tháng 12/2013, dân có ý kiến hỏi, ông Vinh ở ủy ban vận động đồng thời là ban xây dựng nói tiền xây hết rồi. Tháng 10/2014, tiền nhà nước cho tu bổ, tiền dân đóng góp công đức hàng năm 50 - 70 triệu giờ để đâu? Đến khi có công an huyện về, ông Vinh lại khai là còn 250 triệu gửi tín dụng hết rồi".
Ngoài ra, các câu hỏi liên quan đến phát triển ngành nghề, quản lý đất đai, an ninh trật tự... dồn dập được gửi đến chiếm tới 2/3 thời gian dự kiến khiến buổi đối thoại kéo dài tới trưa muộn. Nhưng không ai về, nhất định đợi nghe giải đáp từ Bí thư huyện ủy và các trưởng ban, ngành của huyện.
Các bác cứ yên tâm
Một người dân ở xã Phụng Thượng mách với Bí thư huyện rằng, có hiện tượng công dân đi làm thủ tục nhập khẩu, cắt khẩu, làm giấy khai sinh, đội quản lý hành chính huyện đã có cán bộ gây phiền hà, thái độ làm việc không tận tình, trả kết quả không đúng hẹn..."làm mất lòng tin của dân".
Được Bí thư huyện ủy chỉ định trả lời, trưởng công an huyện Phúc Thọ cho biết do trước đây khi chưa có luật cư trú thì thẩm quyền đăng ký hộ khẩu thuộc thẩm quyền trưởng công an cấp xã. Đến khi hợp nhất, Hà Nội quy định mọi công dân đăng ký thuộc thẩm quyền công an cấp huyện, không phải cấp xã.
Để giảm tải cho nhân dân đi lại, huyện đã báo cáo thành phố cho xã xa trung tâm huyện, cách 10km trở lên giao cho công an cấp xã tiếp nhận hồ sơ chuyển lên công an huyện, công an huyện ký và công an xã lại lên lấy về trả cho dân. Đặc biệt với huyện Phúc Thọ, từ 5 - 7 cây số sẽ giao cho công an xã làm hồ sơ.
Bí thư huyện ủy Ngọ Duy Hiểu |
Sau lý giải về quy trình, cán bộ huyện cũng thừa nhận "do công việc nhiều, cán bộ ít nên chưa tận tình hướng dẫn người dân tới làm thủ tục. Chúng tôi cũng đã có kiểm tra và chấn chỉnh".
Một người dân khác quan tâm công tác cán bộ với băn khoăn "có hay không chủ trương cho con em cán bộ về công tác tại huyện?".
"Thưa các bác, hiện nay chả có nghị quyết, chả có cuộc họp, kết luận nào cho con em cán bộ ở huyện về công tác. Huyện tổ chức thi tuyển hợp đồng, áp dụng rộng rãi mọi đối tượng, mọi người đều có thể tham gia nếu đủ điều kiện. Trên thực tế nhiều lần thi công chức là con cán bộ còn trượt, nhiều bác nói con cháu mình nông dân thuần túy không quen biết gì ở huyện nhưng con cháu vẫn đỗ viên chức rất bình thường, các bác cứ yên tâm việc đó", Bí thư huyện ủy Ngọ Duy Hiểu trả lời ngay.
Cán bộ phải hiểu rõ dân
Được Bí thư huyện chỉ định trả lời câu hỏi về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Trưởng phòng TN&MT Đặng Văn Nghĩa cho biết, hiện huyện đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 42.000 thửa, chỉ còn hơn 1.000 thửa chưa cấp, nếu nói tiến độ chậm của 2 -3 năm trước thì ông chấp nhận, nhưng hôm nay thì không phải. Phúc Thọ đã cấp cho 97% số thửa, chỉ có thể do chỗ cụm nào đó chưa xong.
Việc giải quyết đơn thư của trường tiểu học Hiệp Thuận, Trưởng phòng giáo dục huyện Kiều Tuấn khẳng định, sau khi có kết luận của UBND huyện, cô Thư trong trường có làm đơn khiếu nại liên quan đến việc quản lý mua nước uống cho học sinh trong 3 năm học.
UBND huyện lập đoàn công tác có phòng GD&ĐT, thanh tra huyện, phòng tài chính kế hoạch, hiện đang rà soát, cơ bản đã hoàn thành dự thảo. Tới đây sẽ khẩn trương tham mưu với UBND huyện kết luận.
"Cũng khẳng định trong việc giải quyết đơn thư của phụ huynh là hoàn toàn khách quan, không có ai bao che, chống lưng", ông Tuấn nói.
Cuộc đối thoại dài 4 tiếng đồng hồ được Bí thư huyện ủy Ngọ Duy Hiểu coi là "lượng thông tin khổng lồ" cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, để cán bộ nhận ra hạn chế yếu kém cần khắc phục.
Ông Hiểu cho biết, cán bộ phải thấy xấu hổ vì sự chậm đổi mới, phát triển của mình, còn cứ thấy thỏa mãn là không thể.
Ông yêu cầu các phòng, ban, ngành đi tới tận từng cơ sở để hiểu rõ nhân dân hơn: Cán bộ xã chỉ dành 20% thời gian làm việc cho cấp trên, 40% cho công việc của xã và 40% phải cho dân. Ông cũng khẳng định Phúc Thọ sẽ tổ chức thường niên đối thoại này để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân.
Hồng Nhì - Thuận Vũ