- ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra một điểm mà tái cơ cấu còn bỏ ngỏ: tái cơ cấu bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm. Ý kiến được Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh sau đó chia sẻ.

Chiều 1/11, QH tiếp tục thảo luận kết quả giám sát đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đặt ra những vấn đề lớn hơn ngoài ba trọng tâm mà Chính phủ đã xác định.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Đỗ Mạnh Hùng cho rằng không nên đặt ra yêu cầu quá cao về kết quả tái cơ cấu mà nên xem chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa.

“Tái cơ cấu đầu tư phải đi liền với xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp, tạo cơ hội bình đẳng, thuận lợi cho nhà đầu tư. Hay nói ngắn gọn là phải quan tâm đến 3 chữ “cơ” - cơ cấu, cơ chế, cơ hội”, ông Hùng nói.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại chỉ ra một điểm mà tái cơ cấu còn bỏ ngỏ: tái cơ cấu bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm.

XEM CLIP:

Ông Hiến nhấn mạnh lại Nhà nước không cần nắm những lĩnh vực mà tư nhân làm được, lấy ví dụ về xã hội hóa công chứng, để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn. "Doanh nghiệp mà phải dùng đến 872 giờ để nộp thuế thì là một sự hành hạ", ĐB Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

Từ đó, ông Hiến quay lại câu chuyện bộ máy: "Nước ta không thiếu người tài, nhưng họ thiếu may mắn không có vị trí xứng đáng để giúp dân giúp nước. Phải bằng cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm minh bạch, công khai bởi những giám khảo có tâm để họ cơ hội đem tài năng, tâm huyết của mình ra giúp nước. Nếu không, họ sẽ mãi đứng ở vị trí thứ tư sau hậu duệ, quan hệ và tiền tệ".

ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) thì đưa ra yêu cầu tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Lộ trình 2 giai đoạn và mô hình 2 tốc độ.

"Giai đoạn đầu tập trung tìm cách đẩy nền kinh tế tăng trưởng sát mức tiềm năng, hiện ta đang làm. Giai đoạn hai tập trung vào chất lượng tăng trưởng, với các yếu tố quan trọng là khoa học công nghệ, cải cách thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện ta đang chưa làm được nhiều", ông Lĩnh phân tích.

"Tốc độ nhanh là với những ngành có khả năng tiếp cận công nghệ, còn với nông nghiệp phải có tốc độ phù hợp hơn", ĐB An Giang chỉ ra.

Không thể thay đổi bằng mong muốn

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại thẳng thắn nhận định việc giám sát này "thời điểm chưa thích hợp": Ta sốt ruột, thấy nóng trong người nên muốn giám sát là đúng, nhưng thời gian triển khai tái cơ cấu ngắn, còn quá sớm để đưa ra được những kiến nghị xác đáng.

"Có vài tháng mà đi 6 bộ ngành, 12 tỉnh, 22 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, nhưng giám sát dựa chủ yếu trên báo cáo của các bộ ngành, địa phương và Chính phủ, thì khó mà hình dung được mọi vấn đề", ĐB Quảng Nam nhận xét.

Ông Minh kiến nghị "nói qua phải có nói lại", với những kiến nghị của đoàn giám sát, Chính phủ cần thể hiện thái độ trước những kiến nghị này.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), thành viên đoàn giám sát, thì việc Chính phủ không nói lại tức là "im lặng là đồng ý". Do đó, ông Lịch đề nghị đưa các nội dung kiến nghị của đoàn giám sát vào nghị quyết của QH, đồng thời rà soát lại pháp luật hiện hành và sắp xây dựng theo các kiến nghị này.

Cuối ngày thảo luận, Bộ trưởng duy nhất đứng lên phát biểu là Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, nhưng không phải thay mặt Chính phủ mà chỉ là ý kiến của Bộ KH-ĐT, cơ quan chắp bút đề án tái cơ cấu: Cơ bản 10 kiến nghị của đoàn giám sát là tốt, nhưng việc đề nghị làm luật thì phải bàn thêm.

XEM CLIP:

"Tái cấu trúc là việc lớn của đất nước, nhưng ta lại tiến hành trong điều kiện kinh tế bất ổn, không có nguồn lực, mà ta vẫn làm thì đó là một cố gắng lớn. Đây là việc dài hạn, không phải 5 năm là xong. Nhưng đã đến lúc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, không chỉ ĐB mà người dân đều cảm nhận được điều này. Chất lượng nền kinh tế đang có vấn đề, nếu không cải cách sẽ không tăng trưởng nhanh được", ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh đồng tình với ĐB Nguyễn Văn Hiến phải "tái cơ cấu cán bộ": "Chuyên gia quốc tế nói với tôi, nếu đổi mới DNNN mà vẫn để nguyên những con người đã sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang, họ không thể tự chặt chân mình đâu".

"Không thể thay đổi bằng lời khuyên, mong muốn mà phải thay đổi bằng luật", Bộ trưởng KH-ĐT ghi nhận "chân thành từ đáy lòng" với những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các ĐBQH, những người sẽ làm ra các luật và chính sách hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu.

C.Hoàng - M.Thăng - M.Quang - Đ.Yên - H.Duyên - T.Hạnh - Nguồn clip: VTV