- Dự thảo luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND cho phép hai hình thức vận động bầu cử là qua hội nghị cử tri và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

>> Chưa thể để công dân VN ở nước ngoài thực hiện quyền bầu cử
>>
Đề xuất người tự ứng cử phải được 30% cử tri đồng ý

Tờ trình của UB Thường vụ QH hôm nay cho biết dự thảo đã cụ thể hóa và bổ sung quy định việc tuyên truyền, vận động bầu cử thành một chương riêng, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền vận động bầu cử, nguyên tắc thời gian vận động, những hành vi bị cấm, phương thức tổ chức, hình thức tiến hành vận động.

Dự thảo luật xác định rõ hai hình thức vận động bầu cử: Tthông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

{keywords}
Đại biểu QH khóa 13. Ảnh:Phạm Hải

Cơ quan thẩm tra là UB Pháp luật QH tán thành cần quy định cụ thể hơn về việc tuyên truyền, vận động bầu cử để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, vừa có thể linh hoạt, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử.

Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hai hình thức vận động bầu cử trên, nhưng cũng có ý kiến còn băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có hai hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri.

Về hồ sơ người ứng cử, có ý kiến muốn đảm bảo nâng cao chất lượng đại biểu bằng cách quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ người ứng cử, đồng thời bổ sung thêm phiếu lý lịch tư pháp và giấy khám sức khỏe.

Nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định phiếu lý lịch tư pháp và giấy khám sức khỏe đối với người ứng cử và cho rằng, người ứng cử phải bảo đảm tính trung thực và phải chịu trách nhiệm về những thông tin trong hồ sơ ứng cử.

Mặt khác, hầu hết những người ứng cử đều do các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giới thiệu nên sẽ bảo đảm về lý lịch tư pháp và yêu cầu về sức khỏe.

Hơn nữa tổng số người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp là rất nhiều nhiệm kỳ 2011-2016 là 473.697 người), nếu cứ phải có phiếu lý lịch tư pháp sẽ gây khó khăn cho người ứng cử và cơ quan tư pháp ở các địa phương, nhất là với người ứng cử ở các xã miền núi, hải đảo đi lại khó khăn khi phải lên cơ quan tư pháp cấp tỉnh nơi có thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp.

Vì  thế, dự thảo luật dự kiến không đưa ra những yêu cầu về giấy tờ này. Các ĐBQH sẽ thảo luận dự thảo luật tại tổ chiều nay.

Chung Hoàng