Tổng thống Mỹ sẽ có hai năm cuối nhiệm kỳ trong cuộc vật lộn đầy khó khăn với một chính phủ hoàn toàn do phe đối lập kiểm soát.
Tổng thống Mỹ bước vào Nhà Trắng. Ảnh: jpost |
Với ít nhất 53 ghế (trong số 100 thành viên) đã giành được cho đến thời điểm này, đảng Cộng hòa đã đánh bại đảng Dân chủ của Tổng thống Obama để giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014. Cùng với chiến thắng tại Hạ viện, phe Cộng hòa đã nắm toàn bộ Quốc hội Mỹ.
Tuy phe Cộng hòa không thể giành đủ 60 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Thượng viện (để qua đó có thể thông qua các dự luật mà không cần quan tâm đến lá phiếu của phe Dân chủ) nhưng kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã phản ánh sự bất mãn của cử tri với Obama.
Trong số các thành viên Cộng hòa tái đắc cử, có một người có thể trở thành lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện - Mitch McConnell của bang Kentucky. Phe Dân chủ từng hy vọng sẽ đánh bại ông, nhưng ông đã lật ngược ván cờ trong vài tuần cuối cùng. Cử tri đang “trông chờ sự lãnh đạo mới, họ muốn có lý do để hy vọng”, ông McConnell nói.
Theo giới phân tích, sự thay đổi trong Thượng viện sẽ dẫn tới một cuộc “tổng công kích mạnh mẽ” của Cộng hòa với chính phủ hiện hành xung quanh vấn đề thâm hụt ngân sách, sửa đổi luật chăm sóc sức khỏe Obamacare. Đảng Cộng hòa trước nay vẫn chung một cách nhìn cho rằng, tổng thống Mỹ đã đẩy chính phủ vào quá sâu cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, sự bất mãn thậm chí còn vượt ra ngoài phạm vi đảng này khi dân Mỹ bày tỏ sự thất vọng với nền kinh tế trì trệ, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn diễn ra hết sức chậm chạp; Thị trường lao động, tuy có cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 10 vẫn ở mức cao 5,9% so với mục tiêu 5%; Đất nước bị bao vây bởi những tin xấu như nỗi lo dịch bệnh Ebola, những người Mỹ bị các phần tử Hồi giáo cực đoan chặt đầu; Quốc hội hiện nay bị chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử…
Phe Cộng hòa đã đổ trách nhiệm lên chính vị tổng thống trước những thất vọng của người dân nên dù tên ông không xuất hiện trên lá phiếu bầu giữa kỳ, thì phe Cộng hòa vẫn đem ông ra làm tâm điểm cho chiến dịch tranh cử của họ.
Về phía người dân, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Obama đang sụt giảm, chỉ ở mức 40%. Cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa đã dùng là phiếu để giúp đảng này có thế vững vàng hơn ở Thượng viện và mở đầu cho mục tiêu lấy được ghế tổng thống trong cuộc tuyển cử năm 2016. "Tôi chờ đợi ông ấy ra đi”, Kristi Johnson, một dược sĩ 36 tuổi đến từ Bắc Carolina cho biết.
Theo chuyên gia phân tích chính trị John Fortier, Giám đốc dự án dân chủ thuộc Trung tâm chính sách lưỡng đảng, khó khăn đầu tiên mà Tổng thống Obama gặp phải sẽ là chuyện bổ nhiệm nhân sự cấp cao, vốn cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Tiếp theo, phe Cộng hòa sẽ đưa ra những dự luật, hoặc mới hoặc sửa đổi, buộc Obama phải lựa chọn một trong hai phương án: phê chuẩn hoặc phủ quyết, vì ông không còn lá chắn từ Thượng viện.
Thái An (theo Mirror, Telegraph)