- Trước khi các ĐBQH thảo luận dự thảo luật Sĩ quan quân đội nhân dân (QĐND) sửa đổi sáng nay, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - an ninh cho biết UB Thường vụ QH tán thành đề nghị của Chính phủ tăng số đại tướng quân đội.

Ông Nguyễn Kim Khoa cho biết: “Có ý kiến đề nghị cân nhắc trần quân hàm đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng”.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa. Ảnh: Minh Thăng

Thường vụ QH cho rằng: “Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐNDVN, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm".

Vì vậy, Thường vụ UB đề nghị giữ như dự thảo luật Chính phủ đã trình, quân đội sẽ có tối đa 3 vị trí được phong cấp hàm đại tướng.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Khoa, thành phố Hà Nội có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh rất quan trọng với vai trò là Thủ đô; Bộ Tư lệnh Thủ đô cơ bản kế thừa nhiệm vụ và các đơn vị thuộc Quân khu Thủ đô trước đây. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất, có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh quan trọng trong thế trận phòng thủ đất nước.

Do đó, Thường vụ QH “đề nghị quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng”. Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn.

"Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua", ông Sơn nói.

Thảo luận dự thảo luật, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho biết, có cử tri hỏi ông: Khi giải phóng miền Nam, VN chỉ có 36 tướng nhưng đánh tan đế quốc. Vậy nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn và để lãnh đạo tốt hơn?

ĐB Lâm Đồng cho rằng phong tướng phải để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng cho nhân dân đồng tình".

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng muốn quy định ngay trong luật các chức vụ có trần quân hàm cấp tướng là cấp phó để bảo đảm ổn định số lượng cấp tướng trong quân đội, giảm thủ tục hành chính và cơ chế xin - cho.

Các ĐB cũng cho rằng không cần thiết phong thăng cấp tướng cho các nhà trường, bệnh viện, doanh nghiệp trong quân đội. ĐB Nguyễn Ngọc Phương thấy các trường học, bệnh viện thì đã có các danh hiệu nhà giáo, bác sĩ nhân dân, ưu tú, doanh nghiệp thì đã có các hệ số lương đặc biệt.

Về chính sách nhà ở đối với sĩ quan QĐND, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị chỉ những sĩ quan được luân chuyển được điều động đến công tác những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo theo yêu cầu nhiệm vụ thì bản thân gia đình được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở, chứ không phải tất cả.

Ông Nguyễn Bá Thuyền thì đồng tình tách lương ra khỏi quân hàm: Sĩ quan dù không được phong quân hàm nhưng được tăng lương. Khi họ có thành tích xuất sắc, quân hàm đạt mức trần rồi thì vẫn được hưởng lương vượt khung.

Chung Hoàng