- Thảo luận của các ĐBQH về luật tổ chức chính quyền địa phương chiều nay (7/11) trở nên phức tạp khi dự thảo vẫn để mở phương án không tổ chức HĐND ở một số cấp.
Kiên định nguyên tắc đã được Hiến pháp quy định - ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát của nhân dân - các ĐB muốn nhanh chóng có tổng kết và kết luận về việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường để có cơ sở xây dựng pháp luật. Các ĐB còn muốn Chính phủ giải trình tại sao ban đầu là "không tổ chức HĐND ở một số quận, huyện, phường" mà đến khi vào dự thảo luật chỉ còn "không tổ chức HĐND ở một số quận, phường".
ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho biết khi tiếp xúc cử tri luôn nhận được những ý kiến gay gắt về việc bỏ HĐND cấp quận, phường, cho rằng chủ trương này chưa tạo được sự đồng thuận của cử tri. ĐB Trần Thị Quốc Khánh cùng đoàn cũng cho rằng "nếu trưng cầu dân ý có lẽ 80% không đồng ý bỏ HĐND": Không có giám sát thì làm quản lý hành chính rảnh tay muốn làm gì thì làm, chẳng ai nghe ý kiến của dân nữa.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Không có giám sát thì chẳng ai nghe ý kiến của dân |
ĐB Đỗ Kim Tuyến cùng đoàn thấy "chủ trương làm thí điểm lâu rồi chưa tổng kết, chưa đánh giá nên hay không nên, giờ đưa vào phương án này ĐBQH cũng không có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết sách".
Theo các ĐB, HĐND có chỗ có nơi chưa phát huy được hiệu quả nhưng không nên bỏ mà nâng cao chất lượng. GĐ Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: Cả ba cấp cần có HĐND, nhưng cần có tiêu chí số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào số lượng người dân, trên cơ sở đó quy ra số lượng đại biểu. HĐND tùy từng tỉnh thành, địa bàn khác nhau mà có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Còn theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nếu không tổ chức HĐND ở một số quận, phường thì sẽ có nơi có UBND, có nơi có UB hành chính. Ông băn khoăn về chế độ làm việc của hai hình thức này: UBND làm việc theo chế độ tập thể, có việc giao Chủ tịch quyết nhưng có những việc chủ tịch họp với ủy ban mới được quyết. UB hành chính thì phải làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch thậm chí có quyền quyết hết. Theo ông Hùng nên thống nhất nguyên tắc tập thể cho dù là UBND hay UB hành chính.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì quan tâm đến vấn đề phân quyền giữa trung ương và địa phương: Phân quyền là quyền của anh, không phải quyền của cơ quan khác, phải tự chủ. Khác với phân cấp là quyền của cấp trên nhưng giao cho anh làm bố trí quyền lực, hay ủy quyền là quyền của cấp trên nhưng ủy thác cho anh làm một thời gian cụ thể.
"Luật phải định nghĩa quyền hạn được phân quyền là gì, đặc điểm ra sao. Vì cấp chính quyền địa phương được phân quyền, tức là tự chủ, thì cấp đó phải có cơ quan dân cử, tức HĐND. Còn nếu không được phân quyền thì không nhất thiết có cơ quan dân cử. 13 quận nội thành của TP.HCM không tự quyết định các vấn đề mà HĐND thành phố quyết hết nên các quận này không cần cơ quan dân cử là vậy", ông Lịch phân tích "những nơi hoàn toàn cấp trên 'bao cấp' thì đặt cơ quan dân cử làm gì".
ĐB Nguyễn Phước Lộc: Không giải quyết vấn đề chính trị này thì dân tâm tư |
Chuyện phân biệt chính quyền đô thị - nông thôn cũng được đặt ra mà dự thảo luật chưa làm rõ được. Chủ tịch HĐND TP.HCM nói: Ở TP.HCM vùng nông thôn tính đô thị hóa khác các tỉnh thành khác, việc giảm được cấp chính quyền thuận lợi là vì dân sống tập trung. HN là thành phố nhưng khu vực nông thôn còn lớn và phân tán xa thì vẫn cần áp dụng mô hình chính quyền nông thôn.
Việc thí điểm chính quyền đô thị của TP.HCM, do đó theo bà Tâm, không thể là mô hình áp dụng cho các thành phố khác: Thí điểm thành công theo nghĩa chính quyền đã sát dân chưa tôi còn chưa dám khẳng dịnh. 94 đại biểu HĐND mà cả hàng triệu dân, nói sát dân là không có cơ sở. Không nên thi vị hóa chuyện đó.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cũng chỉ ra cái khó ở cả cấp cơ sở: Làm chủ tịch quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đơn giản hơn Long Biên. Ba Đình ngần đó đất, ngần đó dân, chi thu đủ như thành phố cấp, không thay đổi nhiều, không bao giờ ngập nước, lũ lụt. Trong khi Long Biên là quận đang phát triển, đủ thứ chuyện, di dân, trồng trọt, chăn nuôi... Nên chính quyền ngay ở đô thị cũng phải phân biệt những quyền hạn, nghĩa vụ, biên chế khác nhau.
Chính vì vẫn còn lửng lơ cái tâm lý không biết có HĐND quận, huyện, phường hay không mà ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) thừa nhận "không biết góp ý gì cho dự thảo luật": Đây là vấn đề chính trị của đất nước, liên quan tổ chức bộ máy, con người, không giải quyết vấn đề chính trị này thì dân tâm tư, âm ỉ.
"ĐBQH cũng cần số liệu để an tâm để nhấn nút, vì luật này không được thông qua ở kỳ này thì sẽ ách tắc lại, việc tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, đơn vị hành chính đặc biệt... cũng ách tắc theo", ông Lộc nói.
C.Hoàng - X.Linh - H.Nhì - Ảnh: P.Hải