- Góp ý cho Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông, PGĐ Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan than “sợ nhất là bình mới rượu cũ".

Chiều 11/11, QH thảo luận ở tổ về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Sợ nhất 'bình mới rượu cũ'

7 ý kiến phát biểu ở tổ TPHCM đều không đồng tình với phương án để Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK.

{keywords}

ĐB Huỳnh Minh Thiện. Ảnh: Phạm Hải

ĐB Huỳnh Minh Thiện nói: Bộ làm công tác quản lý mà tham gia soạn sách thì "vừa đá bóng vừa thổi còi", ai lại tự đánh giá bộ sách của mình không bằng sách của người khác? Sách do Bộ soạn thì các Sở phải dùng sẽ không đảm bảo khách quan khiến việc đổi mới SGK “gãy” ngay từ đầu. Hơn nữa, tiền soạn sách của Bộ GD-ĐT là tiền ngân sách nhà nước, Bộ soạn ra sách mà không dùng sẽ lãng phí, ai chịu trách nhiệm?

ĐBQH đoàn TPHCM cho rằng Bộ GD-ĐT chưa đánh giá bộ SGK hiện hành một cách toàn diện, đầy đủ để thấy cái gì cần đổi mới, cái gì cần sửa chữa, dường như đề án này là “viết mới, viết lại toàn bộ SGK” chứ không có tính kế thừa như nguyên tắc mà Bộ GD-ĐT đưa ra khi trình đề án.

'Không có chuyện vừa thổi còi vừa đá bóng'

Việc thẩm định do Bộ chủ trì nhưng được thực hiện dựa trên hội đồng các nhà khoa học, nhà văn hóa, giáo viên uy tín. Danh sách sẽ phải trình Hội đồng giáo dục quốc gia, xin ý kiến Thủ tướng. Đây sẽ là hội đồng độc lập.

 Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói tại tổ ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan còn chỉ ra, khi đánh giá bộ SGK hiện hành, phần trước thì nói rất hay, rất “hoành tráng” về những mặt được, mặt tốt nhưng ngay sau đó phần chưa tốt, phần hạn chế cũng rất nhiều, như vậy là không logic. Bà nhận định nếu sửa được 50% những cái yếu kém, chưa đạt của SGK hiện tại thì không cần viết lại, đổi sang SGK mới.

Vì vậy, bà Lan đề nghị Bộ GD-ĐT cần xác định thay đổi môn nào, nội dung gì, xây dựng chương trình khung chuẩn. “Sợ nhất là bình mới rượu cũ, học sinh bị nhồi nhét ra trường như siêu nhân nhưng không làm được gì” - bà nói.

SGK: Nếu nhầm lẫn, cả thế hệ sẽ trả giá

ĐB Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu thực tế tiếp xúc với hiệp hội doanh nghiệp, họ kêu về ý thức kỷ luật của công nhân. Trong chương trình SGK, ông Chung lưu ý cần ưu tiên thời gian để giúp học sinh tham gia ngoại khóa, tăng khả năng nhìn nhận thực tiễn.

{keywords}

ĐB Nguyễn Đức Chung (trái). Ảnh: Phạm Hải

“Chúng ta nên tham khảo các tổ chức giáo dục, khoa học quốc tế xem cách xây dựng chương trình SGK thế nào để ứng dụng cho hiệu quả. Con tôi đi học được mấy năm thì lại thay đổi chương trình nên phải thuê các thầy luyện chữ đẹp để theo chương trình mới. Sách nếu nhầm lẫn, không có chuẩn mực thì chúng ta phải trả giá cho cả một thế hệ” - ông Chung nói.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết chương trình qua các đánh giá, kể cả báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về SGK phổ thông thì thấy không phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam.

Trông chờ gì vào thế hệ sư phạm “0 điểm 3 môn”?

Tán thành việc đổi mới “căn bản, toàn diện” giáo dục song các ĐBQH lo lắng vì nếu chỉ đổi mới SGK không thôi thì chưa đủ. Bên cạnh đó còn phải đổi mới chương trình, phương pháp thi cử, phương pháp đánh giá, học và dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…

Nói như ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM), "giáo viên không đủ chuẩn thì SGK đi vào cuộc sống thế nào, các dụng cụ học tập đi kèm SGK ra sao, cơ sở vật chất thê nào".

Nêu thực trạng "ngành sư phạm ế quá", ĐB Phạm Khánh Phong Lan dẫn ví dụ có tờ báo đăng tải câu chuyện “0 điểm 3 môn đỗ ngành sư phạm”.

{keywords}
ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Minh Thăng

“Chúng ta sẽ trông chờ gì vào một đội ngũ sư phạm như thế này? Đó là chưa kể đến chuyện họ phải lo cơm áo gạo tiền. Có những hội nghị gặp gỡ cán bộ giáo dục của TP HCM, tôi rất buồn vì cán bộ chỉ phản ánh đời sống khó khăn, không còn đầu óc đâu mà suy nghĩ, tư duy sáng tạo đổi mới nữa, chỉ loay hoay cơm áo gạo tiền. Tôi ủng hộ đề án này nhưng tôi nghĩ đừng chỉ trông chờ vào sự thay đổi của mỗi SGK để kì vọng có kết quả như mong muốn” - ĐB Lan nói.

Nhận thấy rõ “con người” là nhân tố quyết định, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị Bộ GD-ĐT đánh giá lại chất lượng cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên: “Có chương trình tốt, SGK hay, nhưng đội ngũ này thế nào để triển khai SGK, chương trình mới cho tốt thì đề án không nói.”.

Các ĐBQH cho rằng cần giải quyết bài toán đổi mới GD một cách tổng thể, kể cả đời sống giáo viên, chế độ đãi ngộ để tránh lãng phí, nếu chỉ làm những đề án riêng lẻ như thế này nhưng cũng “ngốn” nhiều tỉ đồng ngân sách.

Cẩm Quyên - Chung Hoàng - Hồng Nhì