- Tại hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí sáng nay do Bộ TT&TT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sửa luật Báo chí cần rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, "không nên chỉ một vài biểu hiện tiêu cực mà giật mình, vội vàng ra ngay quy định hạn chế báo chí".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm qua báo chí đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, thông tin đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống và vươn ra toàn thế giới. Trong quá trình phát triển, phát sinh cả cái tốt và cái chưa tốt, đó là việc bình thường.
Với việc sửa đổi bộ sung luật Báo chí hiện hành, ông cho rằng, cần xem luật đáp ứng được yêu cầu đến đâu, điều gì thuộc phạm vi bất cập của luật Báo chí, điều gì là bất cập của các luật khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ TT&TT |
Ông nói: "Trên thế giới có rất nhiều nước không có luật báo chí, nhưng lại quản lý báo chí rất nhiều mà vẫn đúng pháp luật. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ và báo chí là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp nhất. 15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy chúng ta sửa luật thì đã xem xét đến những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào?".
Phó Thủ tướng khẳng định, sửa luật phải đương nhiên đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng. Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, đảm bảo cho báo chí góp phần để nhân dân thực thiện tốt hơn quyền của mình.
"Mạnh, đúng thì phát huy, hạn chế thì khắc phục, phải rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực mà giật mình, vội vàng ra ngay quy định hạn chế phát triển báo chí", ông nói.
"Rồi vấn đề như báo chí hợp tác với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ví dụ như Đài truyền hình VN cũng đã có công ty liên doanh không chỉ với tư nhân mà với cả nước ngoài, có các chuyên trang, chuyên mục được thực hiện bởi các công ty tư nhân, không chỉ đơn thuần do vấn đề tự chủ tài chính mà bản thân nó có vấn đề công nghệ thúc đẩy và mang lại. Đặt trong luật sửa đổi này thế nào, đến đâu, đồng bộ thế nào?".
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ khẳng định, sửa đổi bổ sung Luật báo chí không phải là để kìm hãm báo chí, mà là để tạo ra bước phát triển mới, phù hợp với thực tế của các cơ quan báo chí hiện nay.
Xử phạt cơ quan không cung cấp thông tin cho báo chí
Góp ý cho luật sửa đổi, đại diện nhiều cơ quan báo chí nhấn mạnh cần có quy định, chế tài cụ thể xử phạt cơ quan không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí.
Theo ông Võ Văn Long, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cần khiến các bên cung cấp thông tin cho báo chí hiểu rõ vừa có nghĩa vụ nhưng cũng có quyền lợi trong vấn đề này. Cho tới nay, chưa có quy định cụ thể, chi tiết nào về việc xử phạt những cơ quan hay cá nhân không cung cấp thông tin cho báo chí theo luật định".
Đại tá Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Thông tấn báo chí, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cũng cho rằng, cần có quy định xử lý vi phạm hai chiều giữa cơ quan cung cấp thông tin và báo chí.
Thái An