- Việc kéo dài thời gian đi nghĩa vụ quân sự lên 2 năm khiến các ĐB có nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp tổ chiều nay (12/11).
ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) thấy lý giải của ban soạn thảo chưa thuyết phục: "Để đồng bộ trong quân đội thì tại sao không kéo xuống đều 18 tháng mà lại nâng lên?"
ĐB Đinh Thị Bạch Mai cùng đoàn cũng phản ánh "cha mẹ đều chỉ muốn con đi 18 tháng". "Đào tạo thêm 6 tháng thì tiền của của nhân dân, của quân đội đổ ra cũng nhiều lắm, cần lý giải rõ ràng", bà Mai nói.
ĐB Trương Thị Ánh: Để đồng bộ sao không kéo xuống đều 18 tháng? |
Nhưng như GĐ Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung lý giải thì "trang bị vũ khí cũng như huấn luyện của hạ sĩ quan đã khác xưa, khí tài quân sự giờ đã hiện đại hơn rất nhiều, nên kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự là hợp lý".
ĐB Nguyễn Văn Hưng (TP.HCM) đồng tình: "Có ý kiến băn khoăn đất nước sắp có chiến tranh hay sao mà nâng lên như vậy, nhưng nghĩ thế không đúng, mà do xuất phát từ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới".
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng nói: "Nghĩa vụ quân sự không chỉ đơn giản là dành một khoảng thời gian trong quân đội, mà quan trọng hơn trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng chiến đấu để khi cần thiết sẵn sàng trở thành quân nhân dự bị".
ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) phân tích: Nếu đi ngắn thì thiếu người làm nghĩa vụ quân sự, vì "nói là 7 triệu người trong độ tuổi, tưởng đông nhưng không đủ người": Phần lớn thanh niên tốt nghiệp phổ thông xong đều cố lên cao đẳng, đại học, trên đại học, không thì cũng đi làm, hộ khẩu thì đó nhưng gọi đi nghĩa vụ khó lắm.
Nhiều ĐB lo lắng tình trạng "chỉ có con em nông dân trình độ phổ thông" vào quân đội. ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nói: Phải làm sao huy động được lực lượng đã học qua đại học, nhưng người không cần học cả 24 tháng trong quân ngũ mà chỉ cần 3 tháng rồi chuyển sang các lĩnh vực chuyên sâu.Vì thế bà Hậu đồng tình kéo dài tuổi tuyển quân đối với người đi học lên 27 tuổi. Ông Đỗ Kim Tuyến cũng đồng tình nhưng băn khoăn: Có những người tốt nghiệp đại học phục vụ trong quân đội là tốt, nhưng xét góc độ nào đó thì đối tượng này cũng cần cho xã hội, phục vụ mục đích phát triển kinh tế.
Nhưng theo ĐB Nguyễn Văn Hưng, đối tượng này quân đội đang rất cần vì sẽ đỡ mất thời gian đào tạo.
Từ đó, các ĐB cũng có nhiều băn khoăn xung quanh các đối tượng được miễn, hoãn gọi nhập ngũ. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thấy chỉ những người đang học phổ thông và đại học mới được miễn, hoãn là chưa đủ, nên tạo điều kiện cho cả những người đang học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tại chức... học xong rồi mới gọi nhập ngũ cũng chưa muộn.
Nhưng ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nghĩ ngược lại: Các địa phương kêu rất nhiều vì con em đi học không phải hệ chính quy cũng không về nhập ngũ nên không đủ người đi thực hiện nghĩa vụ theo chỉ tiêu nhà nước giao. Ông Nguyễn Văn Hưng cũng phản ánh việc đi học đang là "chỗ trốn tránh nghĩa vụ quân sự".
Người khỏe thành yếu
Cũng nói về tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) nhấn mạnh tình trạng này "đang gây bức xúc trong dư luận, bất bình trong nhân dân", và đề nghị luật có các chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Ông Tam chỉ ra các đối tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự: trốn khám tuyển, đào ngũ, và làm sai lệch hồ sơ khi gọi nhập ngũ.
ĐB Dương Trung Quốc |
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng phản ánh: Người dân ở nông thôn muốn vào quân đội vì có nhiều chế độ ưu đãi. Trong khi các gia đình có điều kiện thì tìm cách né nghĩa vụ quân sự cho con em mình.
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) chỉ ra tiêu cực rõ nhất là ở khâu khám sức khỏe: người khỏe trở thành người yếu, đủ điều kiện nhập ngũ thành không đủ.
Luật nghĩa vụ quân sự còn được cho ý kiến một lần nữa vào kỳ họp sau trước khi thông qua.
C.Hoàng - H.Nhì - C.Quyên - Ảnh: Phạm Hải