- Nhiều đại biểu thúc giục QH đồng ý chủ trương để Chính phủ làm sân bay Long Thành càng nhanh càng tốt, nếu chậm "sẽ lỡ nhịp phát triển của đất nước".
Là người phát biểu cuối cùng tại phiên thảo luận hội trường duy nhất về dự án sân bay Long Thành, ĐB Dương Trung Quốc chất vấn lại chính QH tại sao giờ này mới xem xét chủ trương một dự án lớn đã nằm trong quy hoạch tổng thể cách đây cả 10 năm, nhiều công trình thành phần đã xây dựng xong. Ở Đồng Nai, người dân gần 10 năm nay sống trong tình trạng dự án treo.
Giá Chính phủ trình sớm hơn...
"Nhiều ĐB nói đến yếu tố nợ công, vốn liếng nhưng tôi cho yếu tố quan trọng nhất chi phối mối quan tâm của cả xã hội là lòng tin và thông tin. Hôm nay chúng ta mới mang dự án ra QH bàn. Cho dù đồng tình cao nhưng băn khoăn dự án còn nhiều thiếu hụt để quyết định" - ông Quốc nói.
ĐB Dương Trung Quốc: QH là nơi lobby nhau, sao không nghe chuyên gia trong nước? |
ĐB tỉnh Đồng Nai đánh giá cao sự thẩm định của các UB nhưng mới chỉ đứng góc độ kinh tế, ngân sách mà chưa tham khảo các nhà chuyên môn thực sự. Theo ông, một dự án tầm cỡ lớn như vậy không thể không quan tâm ý kiến phản biện của xã hội. Phải tranh thủ mời chuyên gia, tổ chức độc lập thẩm định khách quan, trả lời tự tin về mục tiêu sẽ trở thành khả thi mà Chính phủ trình bày.
Đặt câu hỏi cho chính QH tại sao đến giờ mới xem xét chủ trương dự án này, ĐB Quốc cho rằng, QH giám sát vĩ mô mà không yêu cầu Chính phủ đưa dự án mà chỉ thụ động đợi Chính phủ trình, tại sao QH không làm gì để thu thập ý kiến của nhân dân, trong đó có cả người có chuyên môn uy tín, tâm huyết.
Ông cũng mong QH bên cạnh giải pháp nếu cần tìm sự đồng thuận trong dân, củng cố lòng tin bằng cách trân trọng mời ý kiến khác biệt, thậm chí đến thẳng diễn đàn QH để ĐB nghe. "QH là nơi lobby nhau, thuyết phục nhau để khi quyết định có cơ sở, tại sao không nghe chuyên gia trong nước?"
Ông cũng kiến nghị với một dự án sân bay dân sự có thể mời nhà đầu tư nước ngoài, cùng bỏ vốn, kinh nghiệm xây dựng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 69 năm (cuối 1945) trong thông điệp ngoại giao đã nói rằng VN sẵn sàng mở các cảng biến, sân bay để mời các nhà đầu tư vào để chia sẻ lợi ích.
Cũng nói về sự chậm trễ, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhắc lại Sài Gòn từng là hòn ngọc Viễn Đông với Tân Sơn Nhất là điểm nhấn, nhắc lại không chỉ để hoài niệm mà là bài học về quản lý các cảng hàng không, phải kịp thời có những chủ trương, quyết sách để không phải trả giá như với Tân Sơn Nhất.
ĐB Lê Nam: Hồ sơ quá dày, ĐB không ai đủ thời gian để đọc hết mà đau đầu |
Ông nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, VN trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có cách nhìn, quan điểm đẩy nhanh, tăng tốc và Long Thành cần đặt trong bối cảnh đó. "Giá như Chính phủ trình dự án này sớm hơn thì sẽ thuận lợi hơn".
ĐB này cho rằng, đã quyết định đầu tư thì phải nghĩ đến hiệu quả. Nếu Long Thành hiệu quả có thể giải quyết nợ công vì tăng thu ngân sách. "Chính phủ cần giải trình, báo cáo phải tóm tắt hấp dẫn để đọc thấy tin tưởng, hồ sơ quá dày, ĐB không ai đủ thời gian để đọc hết mà đau đầu".
Trong lượt bấm nút, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói, trong chiến lược xây dựng đất nước đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp thì phải có sân bay.
Quan điểm của ông Thuyền là: "Trước QH, có ĐB đồng tình, có ĐB không đồng tình. Nhưng nhiều chưa chắc đã đúng, ít chưa chắc đã sai. Cá nhân tôi đồng tình ủng hộ dự án. Các nước lân cận đều có sân bay tầm cỡ quốc tế từ cả chục năm nay, ta không thể lấy Tân Sơn Nhất để cạnh tranh với Thái Lan, Singapore, Malaysia, vì mình đang chạy thì họ cũng chạy, chưa kể họ xuất phải trước mình từ lâu rồi. Giờ mới bàn về Long Thành là trễ rồi".
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Có ĐB đồng tình, có ĐB không. Nhưng nhiều chưa chắc đã đúng, ít chưa chắc sai |
Ông cho rằng, sân bay Long Thành không chỉ trong ngắn hạn mà lâu dài cũng có lợi ích cho đất nước, muốn cạnh tranh để lấy lại vị thế ngày xưa của Tân Sơn Nhất thì phải làm sân bay mới, vì Tân Sơn Nhất không thể mở rộng, cố làm thì chỉ là chắp vá.
Theo kinh nghiệm thế giới làm sân bay mất 8-10 năm, dự kiến 2025 đưa vào khai thác Long Thành thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Ông thúc giục QH cần đồng ý chủ trương để Chính phủ làm càng nhanh càng tốt. Nếu không làm từ bây giờ thì không còn cơ hội, sẽ lại lỡ nhịp phát triển của đất nước.
Có dám cam kết không tăng đầu tư?
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) trần tình rằng ông không trung dung nhưng QH khi quyết thì phải đảm bảo khả thi cao. "Chỉ quyết chủ trương thì đồng ý cũng hơi vội mà không đồng ý cũng chưa thỏa đáng. Do đó dự án cần phải hoàn chỉnh thêm".
ĐB Ngô Văn Minh: Hình hài chưa biết sao mà con số đã không đúng |
Ông nhận xét, "chuẩn bị kỹ nhiều năm như thế mà khái toán 3 giai đoạn cộng lại bị sai: 7,8 + 3,3 + 7 sao mọi báo cáo đều là 18,7 tỷ USD. Đây là điều đáng tiếc, vì hình hài chưa biết sao mà con số đã không đúng".
Ông cũng muốn giải trình rõ cơ chế đặc thù cho dự án này khi thực chất vẫn sử dụng ngân sách mà miễn thuế sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu. Ngoài ra, giải trình thu hồi đất một lần sẽ tiết kiệm được tiền đền bù giải phóng mặt bằng đến 2 tỷ đồng cũng cần phải xem lại liệu người dân có chịu không, tiết kiệm chỗ nào, phân kỳ thu hồi thì giá đất ra sao.
Cuối cùng, ông Minh nêu, quan trọng nhất là Chính phủ "có dám cam kết được là sẽ không tăng tổng mức đầu tư và xin thêm cơ chế đặc thù không?".
Chưa rõ khả năng trả nợĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói ông đã tham khảo cả ý kiến của các cử tri đặc biệt như anh hùng Phạm Tuân, phi công lão luyện. Ông tán thành quan điểm, tầm chiến lược dài hạn của dự án nhưng còn 3 vấn đề phải làm rõ.
Về hiệu quả kinh tế xã hội, băn khoăn lớn nhất của ông là hiệu quả trong tờ trình đều dựa trên các dự báo lạc quan về lượng hành khách. Cần làm rõ căn cứ tính toán; đồng thời đánh giá tác động của dự án, so sánh trong tương quan với các phương án khác, trong đó có việc mở rộng Tân Sơn Nhất.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng: Sau khi QH không bỏ phiếu chủ trương dự án cao tốc Bắc - Nam, không thấy cử tri nào nói QH không bản lĩnh |
Về quy mô dự án sử dụng 5.000ha đất và 380 ngàn tỷ đồng, trên thế giới nhiều sân bay không lớn nhưng công suất cao, nếu sân bay theo hướng hiện đại thì với công suất 100 triệu hành khách có cần từng đó đất không?
Việc huy động vốn trong đó nêu ngân sách sử dụng thấp nhưng ông cho rằng, cả 3 giai đoạn chưa làm rõ cơ cấu vốn. Giai đoạn 1 chỉ mới dự toán, trong hơn 150 nghìn tỷ đồng thì 24 nghìn tỷ đồng là ngân sách, nhưng ODA là Chính phủ cho vay lại, như thế buộc phải tính vào nợ công và ngân sách, PPP thì công bao nhiêu, tư bao nhiêu; khả năng trả nợ cũng chưa rõ?
Ông Hùng dẫn lại 2 quyết định của Chính phủ và QH từng được cử tri đánh giá cao. Đó là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam năm 2010 không được QH bỏ phiếu tán thành chủ trương và Chính phủ quyết định rút đăng cai Asiad được cử tri quan tâm.
"Sau khi QH không bỏ phiếu tán
thành chủ trương dự án cao tốc Bắc - Nam, tôi không thấy cử tri nào nói QH không
bản lĩnh. Chính phủ rút đăng cai Asiad cử tri đánh giá cao. Với dự án Long Thành,
chủ trương thì tán thành cần thiết có sân bay tầm cỡ nhưng nếu QH quyết định
chủ trương đầu tư thì cần chuẩn bị làm thêm".