- Đến nay, dầu khí vẫn là ngành công nghiệp biển mũi nhọn và đóng góp nhiều nhất cho GDP của cả nước, ngày càng vươn xa ra Biển Đông và hiện diện ở nhiều nơi nằm ngoài lãnh thổ và vùng biển VN.

Công ước 1982 đã tác động mạnh đến xây dựng các chính sách quy hoạch vùng biển, cảng biển, xây dựng đội tàu. Tư tưởng nôn nóng tiến nhanh ra biển bằng những quả đấm thép và thiếu cơ chế giám sát đã đưa đến những hậu quả đáng tiếc trong quản lý và thực thi như Vinasin, như sự lãng phí các cảng biển, cảng cá, đội tàu già nua, cũ nát. Song xu thế tiến ra biển là tất yếu. VN cần rút kinh nghiệm, tái cơ cấu và có những bước đi hợp lý để đạt được mục đích.

Thăm dò khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác trên thềm lục địa là đặc quyền của quốc gia ven biển. Việc tổ chức thực hiện đặc quyền này chính là một hoạt động thực thi Công ước 1982.

{keywords}
Nhà giàn Tư Chính, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung

Tháng 8/1975, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước và thành lập cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về dầu khí là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt VN. Petrovietnam ra đời năm 1993 vào đúng thời điểm VN chuẩn bị phê chuẩn Công ước Luật biển 1982 và thông qua luật Dầu khí đầu tiên.

Đến nay, dầu khí vẫn là ngành công nghiệp biển mũi nhọn và đóng góp nhiều nhất cho GDP của cả nước, ngày càng vươn xa ra Biển Đông và hiện diện ở nhiều nơi nằm ngoài lãnh thổ và vùng biển VN.

VN đã vận dụng tốt Công ước Luật biển 1982 trong xây dựng, quản lý hệ thống các đài thông tin duyên hải, thông tin hàng hải tìm kiếm cứu nạn, hệ thống ống dẫn và dây cáp ngầm trên biển.

Tổ hợp hệ thống cáp Sin-Hon-Tai năm 1985 qua vùng biển VN, dưới sự quản lý và cho phép của VN đã góp phần thúc đẩy chiến lược tăng tốc của ngành Bưu chính viễn thông, lần đầu tiên sau giải phóng kết nối VN với thế giới qua cáp quang trên biển. Hệ thống cáp quang biển và nỗ lực của ngành Bưu chính viễn thông đã đưa VN vào tốp những nước có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất thế giới, phục vụ tốt sự nghiệp hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sau năm 1986, các hoạt động biển của VN được mở rộng ra xa bờ, số lượng tàu thuyền, nhân lực hoạt động trên biển tăng lên và do đó nguy cơ các sự cố tai nạn trên biển cũng tăng lên. Trước yêu cầu của tình hình mới, Ủy ban quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn đã được thành lập.

Ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện (tàu bay, tàu thuyền, thiết bị dầu khí) bị lâm nạn trên không, trên biển và vùng trách nhiệm tiếp giáp giữa VN với các nước. VN nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của quốc gia ven biển trong việc độc lập tổ chức tìm kiếm cứu nạn cũng như tham gia các nỗ lực chung của công đồng khu vực và quốc tế. Điển hình là việc triển khai tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysian Airlines mất tích tháng 3/2014.

Nhiều tàu thuyền, máy bay, thủy phi cơ và trực thăng đã được huy động, tiến hành tìm kiếm dài ngày trên toàn bộ vùng biển Tây Nam. Vì lý do nhân đạo, VN đã cho phép phương tiện của các quốc gia liên quan vào vùng biển của mình để tìm kiếm. Những nỗ lực đó của VN đã được cộng đồng quốc tế nói chung, Malaysia nói riêng đánh giá cao. VN tích cực tham gia các hoạt động phòng chống cướp biển từ cả góc độ phòng ngừa và nạn nhân như vụ tàu Sunrise tháng 9/2014.

Cầu nối hòa hợp dân tộc

Công ước Luật biển 1982 đã tác động đáng kể đến xã hội và giáo dục. VN là quốc gia đầu tiên trong khu vực dịch và xuất bản toàn văn Công ước. Những vấn đề biển của đất nước hay Công ước Luật biển đã là cầu nối toàn thể người Việt trong cũng như ngoài nước, là nhân tố góp phần thúc đẩy hòa hợp dân tộc.

Nhà nhà bình luận, góp ý, người người sưu tập tài liệu đóng góp cho bảo vệ chủ quyền biển đảo là nét đẹp không dễ thấy từ trước năm 1994. Chương trình biển đảo đã trở thành môn học không thể thiếu trong các trường đại học, cao đẳng của đất nước.

Công ước còn là cơ sở thúc đẩy VN tham gia tích cực các tổ chức quốc tế về biển.

VN đã phê chuẩn, tham gia hàng chục Công ước biển, như Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm biển từ tàu, Công ước về tấn trọng tải, Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến đâm va giữa các tàu chung (COLREG 72), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74), Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông đường biển (FAL), Công ước về tìm kiếm, cứu nạn (SAR 79), Công ước về đa dạng sinh học 1992...

VN cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế về biển, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu biển. Tham gia vào các tổ chức và chương trình này giúp VN có thêm kinh nghiệm, tự tin hơn, hội nhập hơn trong quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên môi trường biển VN và khu vực.

Nguyễn Hồng Thao

Kỳ cuối: Sớm xây dựng chiến lược biển, tránh chồng chéo