- Đa số đại diện các Sở TN&MT có mặt
tại hội thảo ở Tam Đảo tán thành với đề xuất của nguyên Thứ trưởng Đặng
Hùng Võ về việc lập hội đồng định giá đất độc lập, giúp kiểm soát
quyền lực, phát hiện tham
nhũng.
>> Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI) ́
"Tham nhũng có tính ỷ lại.
Những người tham nhũng trước đó mà không bị xử lý kỷ luật thì những
người tiếp sau sẽ thế lặp lại. Đây là một thói xấu tồn tại rất lâu,
rất sâu", một lãnh đạo của TP.HCM chia sẻ tại hội thảo về phổ
biến kinh nghiệm tốt trong quản lý đất đai, do Tổng cục Quản lý đất
đai và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc ngày 12 -
13/5.
Độc quyền + cửa quyền - minh bạch thông tin
Như
đánh giá của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, tham nhũng liên quan
đến đất đai đang là một thách thức. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở tình trạng cửa
quyền và độc quyền ra quyết định của nhà quản lý trong bối cảnḥ thiếu
minh bạch thông tin, thiếu trách nhiệm giải trình.
Đại diện Sở TN&MT Sơn La chia
sẻ, tỉnh ông có những vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài 20 năm. Ảnh:
Lê
Nhung
Lãnh đạo Sở
TN&MT tỉnh Đắk Lắk phản ánh: "Tham nhũng là mảnh đất đang có
nhiều người xâu xé. Tham nhũng len vào tất cả công đoạn như quy hoạch
sử dụng đất, giới thiệu địa điểm đầu tư, quyết định thu hồi, giao
đất, kế hoạch đền bù, hỗ trợ tái định cư và giải quyết khiếu nại
tố cáo".
Thực tế, việc thực hiện cưỡng chế thu hồi và định giá
đất thấp hơn giá thị trường tạo ra những khoản lợi nhuận lớn đã góp phần nảy
sinh tham nhũng. Thêm vào đó, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
phức tạp, mất nhiều thời gian đã khuyến khích người dân "lót tay" để việc
chạy.
Lãnh đạo Sở TN&MT Sơn La nói, ngay cả khi hồ sơ đất đai
được công khai nhưng khi dân đến nộp thì không ít cán bộ vẫn tìm ra
những "kẽ hở" để nhũng nhiễu.
Giám đốc Sở TN&MT Bình Định
Hà Văn Đức chia sẻ, năm vừa qua, Bình Định tụt 13 bậc trong bảng xếp
hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, một phần là do tiêu chí tiếp cận
đất đai bị chấm điểm thấp. Đây là thách thức mà Bình Định sẽ phải
xử lý nếu muốn lên hạng.
Lãnh đạo ngành TN&MT các tỉnh đều
cho rằng chỉ có công khai, minh bạch thông tin mới góp phần giảm thiểu
nhũng nhiễu và các khoản chi không chính thức.
Khảo sát tại 12
tỉnh, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho hay, chỉ 2/12 tỉnh công
bố bản đồ đầu tư trong khi đây là quy định bắt buộc. Mặt khác, cán
bộ nhà nước lại có quyền lực và rất linh hoạt trong việc xác định
đất cho chủ đầu tư.
Như vậy, trong rất nhiều "lỗ hổng" dẫn đến
tham nhũng, thì đạo đức và lương bổng cán bộ cũng là một phần nguyên
nhân. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, nay là cố vấn cấp cao
của Bộ, do mức thu nhập của cán bộ quản lý đất đai còn thấp nên họ mới tìm
cách nhũng nhiễu.
Nhưng một lãnh đạo của TP.HCM lại cho rằng,
"do chưa bao giờ có một cán bộ nào trong hệ thống bị kỷ luật nên
mới có tình trạng phát sinh thêm nhiều tật xấu". Tham nhũng nảy
sinh từ bàn tay vô hình của cơ chế xin - cho, từ lợi ích của các nhóm
đặc quyền đặc lợi...
Nói như ông Tôn Gia Huyên, nguyên Tổng cục
trưởng Tổng cục địa chính, chưa thể kết luận là mức độ tham nhũng
trong đất đai trầm trọng hơn các lĩnh vực độc quyền khác. Nhưng do
phạm vi phổ biến, lại tác động trực tiếp đến từng người dân và các
lợi ích xã hội nên đây vẫn là một câu chuyện "nóng".
Do cá
nhân hay nhóm lợi ích?
Theo ý kiến của ông Nguyễn Quang Học (ĐH
Nông nghiệp Hà Nội), cần nhận diện bản chất vấn đề tham nhũng trong
đất đai và định lượng cụ thể hơn để tìm giải pháp. Chẳng hạn, mức
độ tham nhũng hiện đã đến ngưỡng nào? Đâu là động cơ mạnh mẽ nhất,
do cá nhân hay do các nhóm lợi ích?
"Vì thông tin không minh
bạch, lại do chi phối bởi các lợi ích khác nhau nên định giá thị
trường các dự án và các quy hoạch mới khác nhau", ông Học
nói.
Một trong các khu đất được thu hồi ở Bình Định để
xây
khu công nghiệp nhưng sau 5 năm vẫn là đất trống. Ảnh: Lê
Nhung
Theo ông Đặng Hùng Võ, đa số người dân đều thấy giá đất
bồi thường chưa thỏa đáng. Vì vậy, việc lập ra hội đồng định giá
đất các cấp sẽ giúp kiểm soát quyền lực, dễ phát hiện tham nhũng.
Lâu nay, bảng giá đất mà địa phương quy định luôn thấp hơn rất nhiều
lần giá trên thị trường. Khảo sát về việc liệu dân có thể dùng tiền
được bồi thường để mua miếng đất tương tự hay không, thì có tới 80%
người dân được hỏi cho rằng còn thiếu rất nhiều. Tình trạng này dẫn
đến nhiều bất ổn xã hội.
Trước mắt, trong thời gian chưa sửa
Luật đất đai, vẫn nên lập các hội đồng định giá, hoạt động như một
hội đồng tư vấn cho UBND tỉnh.
Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới
khuyến nghị, một cơ chế công khai thông tin các khâu từ quy hoạch đến
đền bù hỗ trợ sẽ làm dân yên lòng và dễ dàng chấp nhận, đồng thời
giảm thiểu rủi ro tham nhũng. Mặt khác, cần hạn chế thu hồi đất bắt
buộc với các "lợi ích công cộng".
Như ý kiến của một số lãnh
đạo Sở TN&MT các tỉnh, những biện pháp này sẽ hạn chế tình
trạng chủ đầu tư thu hồi đất và đền bù cho dân với giá "bèo" để rồi
xây căn hộ cao cấp và bán tiền tỷ thu lời.
Đối với việc cấp giấy
chứng nhận, có hai cải cách mang lại lợi ích lớn là thực hiện ở tất cả các xã
việc đăng ký đất đai, khảo sát bản đồ hiện trạng và tăng cường vai trò cung cấp
thông tin của văn phòng đăng ký đất đai.
Từ bài học thực tế, lãnh
đạo các Sở TN&MT cũng nêu nhiều đề xuất, chẳng hạn cải cách tiền
lương cho cán bộ địa chính, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia
đấu giá các dự án đất đai thay vì ưu ái cho các doanh nghiệp nhà
nước. Và đa số đều tán thành với đề xuất của ông Đặng Hùng Võ về
việc thành lập hội đồng định giá đất độc lập.
Lê
Nhung