- Đối tác chiến lược không phải là 'đồng minh', nhất là khi VN có chính sách không liên minh. Nhưng Anh và VN có những lợi ích tương đồng - Đại sứ Anh quốc Giles Lever trò chuyện với VietNamnet.

Nền tảng cho mọi mối quan hệ dù phát triển ở tầm mức nào đều phải bắt đầu xuất phát từ "bạn". Ngài Đại sứ cắt nghĩa thế nào về chữ "bạn" và "kẻ thù" và hai nước có thể chia sẻ, hưởng lợi những giá trị nào dưới mác khuôn khổ quan hệ là "đối tác chiến lược" vừa được gây dựng 4 năm?

Nước Anh trong lịch sử chưa bao giờ từng là "kẻ thù" của VN, chúng ta chưa từng có sự đối đầu trong một cuộc chiến tranh. Hai nước đã có một mối quan hệ bình thường đầy đủ, từ việc duy trì đại diện ở Hà nội và sau đó nâng cấp quan hệ ngoại giao với VN lên cấp đại sứ chính thức vào năm 1973.

Đối tác chiến lược không phải đồng minh. Chúng ta vẫn luôn nghe "không có kẻ thù nào là vĩnh viễn, không có đồng minh nào là vĩnh viễn", chỉ có lợi ích là vĩnh viễn khi chúng ta duy trì mối quan hệ bạn bè và đối tác dựa trên những lợi ích chung. 

{keywords}

Chính sách đối ngoại của VN hướng đến những nỗ lực, chia sẻ những lợi ích quốc tế về hòa bình an ninh ổn định và phát triển. Anh chia sẻ những lợi ích tương đồng khi chúng ta tích cực cam kết, chủ động tham gia vào các cơ chế tổ chức khu vực và quốc tế cho những vấn đề khu vực và toàn cầu.

Khi tôi bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình đầu tiên tại VN cách đây 20 năm, quay trở lại, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự thay đổi mà trong đó sự thay đổi đi đúng hướng đó là bước phát triển mới của quan hệ giữa Anh với VN theo hướng thực chất, thú vị trên khắp các lĩnh vực.

Đó là 7 lĩnh vực trọng tâm được xác định trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược gồm chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, kinh tế-xã hội, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng và giao lưu nhân dân. 

Việc đưa mối quan hệ song phương lên một bước phát triển mới ở tầm đối tác chiến lược là nhằm hiện thực hóa mạnh mẽ những tiềm năng hợp tác, những "lợi ích tương đồng"của hai bên.

Anh nhìn vào VN như một đất nước sẽ trở thành một đối tác kinh tế thương mại lớn của toàn cầu, cũng như vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế. Không chỉ hôm nay mà cả trong 20, 30, 40 năm nữa, Anh cam kết 'đầu tư dài hạn' vào quan hệ với VN.

Tham nhũng cản trở DN

Những lĩnh vực hợp tác nào Đại sứ cảm thấy hài lòng và chưa hài lòng?

Có 2-3 lĩnh vực hợp tác chúng tôi thực sự hài lòng là giáo dục đào tạo, tội phạm có tổ chức và vấn đề di cư, hợp tác phát triển. Hiện có hơn 8000 nghìn sinh viên VN đang theo học tại Anh và con số này còn tiếp tục tăng, chưa kể hợp tác đào tạo - giáo dục ngắn hạn, đào tạo cán bộ ngành của VN, các chương trình giáo dục và cấp bằng của Anh tại VN, các chương trình do các ĐH của Anh tại VN....

{keywords}

VN đã có những hợp tác tích cực với Anh về tội phạm có tổ chức và vấn đề di cư bất hợp pháp, phải nói rằng một số lượng không nhỏ người di cư bất hợp pháp đến Anh hàng năm là người VN. Họ được hứa hẹn đưa đến Anh có công của việc nhưng thực chất bị buôn bán, bóc lột lao động....Có thể nói đây là một trong những mối quan hệ tốt nhất của chúng tôi trên thế giới trong lĩnh vực này.

Hai bên đã có hợp tác phát triển rất tốt thông qua DFID. DFID tại VN sẽ đóng cửa văn phòng tại VN vào 2016 nhưng không có nghĩa chúng tôi không tiếp tục hỗ trợ VN. Thay vì đó, những hỗ trợ của Anh sẽ hướng vào những lĩnh vực liên quan đến phát triển của VN trong tương lai như xây dựng cơ chế đối tác công tư PPP để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng...

Hay như trong lĩnh vực khoa học và sáng tạo, Anh dành một quỹ gọi là Quỹ Newton trị giǡ 375 triệu Bảng Anh (tương đương hơn 13 ngàn 500 tỷ đồng) để hỗ trợ các dự án và sáng kiến và hợp tác về khoa học sáng tạo...

Trong nhiệm kỳ, tôi muốn đẩy mạnh thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư của hai bên vào thị trường của nhau, quảng bá tiềm năng của thị trường VN đến các DN Anh và ngược lại. 

Anh muốn nêu rõ các khó khăn mà DN Anh đang gặp phải trong đầu tư kinh doanh tại VN với các nhà chức trách VN. Không chỉ là nêu những khó khăn của các DN Anh mà cả những kiến nghị để môi trường kinh doanh của VN hấp dẫn hơn.

Những khó khăn cụ thể nào từ phía VN thưa Đại sứ? Có một thực tế trong những năm qua các DN Anh vào thị trường VN tìm hiểu khá nhiều nhưng dường như các quyết định đầu tư còn thận trọng?

Ở một mức độ, VN đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sản xuất giá trị thấp, từ dệt may, giày dép, điện tử...và đó thực sự là câu chuyện thành công lớn của VN. Vì thế nếu nói VN là nơi làm ăn khó khăn đối với các công ty quốc tế là không đúng. 

{keywords}

Cũng như không phải không có DN Anh vào VN đầu tư mà không thành công. Prudential, Standard Charter, HSBS đều rất thành công khi đầu tư vào thị trường VN. 

Nhưng như tôi nói, có những công ty Anh khi đầu tư vào VN gặp khó khăn vì một số lý do, mà một trong số đó là tham nhũng. Đó thực sự là cản trở lớn đối với các DN Anh. Bất kể một DN Anh nào ra nước ngoài đầu tư nếu thực hiện hành vi tham nhũng là vi phạm luật của Anh.

Sau thành công về thu hút đầu tư cho sản xuất giá trị thấp, VN có đặt mục tiêu tiếp tục nâng cấp chuỗi giá trị và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, mà ở đó cho phép chuyển giao, hợp tác kỹ thuật, sáng tạo và tri thức, thu hút những nhà đầu tư nước ngoài lớn không chỉ từ Anh?

Có những khảo sát điều tra về những môi trường kinh doanh dễ dàng được công bố như một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy vị trí của VN là 100. Điều này không có gì là bí mật cả. VN là quốc gia có nhiều tiềm năng, một thị trường rộng lớn 90 triệu dân nhưng VN cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của mình.

Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng

Không thể không để mắt tới một lĩnh vực đang có những bước phát triển trong khuôn khổ đối tác chiến lược đó là an ninh quốc phòng. Đại sứ có thể chia sẻ những kỳ vọng hợp tác từ phía Anh? Có ý kiến quan sát cho rằng, VN đang không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng với các nước. Ngoài chia sẻ mục tiêu hòa bình và an ninh toàn cầu việc mở rộng quan hệ còn để mang tính phòng thủ những mối đe dọa có thể bao vây trong bảo vệ chủ quyền?

Trong tiến trình hội nhập, VN mong muốn tích cực tham gia vào các vấn đề toàn cầu trong đó có hòa bình và an ninh, với việc gần đây chính thức tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Anh đã có những hỗ trợ VN trong nỗ lực này như giúp đào tạo tiếng Anh cho quân nhân.

Bộ quốc phòng Anh và VN đã ký một bản ghi nhớ hợp tác. Cũng giống như khuôn khổ đối tác chiến lược xác định các trọng tâm hợp tác, bản ghi nhớ này cũng cung cấp khuôn khổ hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quốc phòng. Năm 2013, chúng tôi đã có một quyết định quan trọng là thiết lập tùy viên quân sự chính thức tại VN.

{keywords}

Một lĩnh vực hợp tác Anh muốn thúc đẩy với VN là ngành công nghiệp quốc phòng. VN mong muốn phát tiển tiềm lực quân sự trong một số khu vực như cảnh sát biển...Anh có ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới và chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác với VN như một lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Tôi không ở vị trí thích hợp để bình luận động cơ đằng sau chính sách mở rộng quan hệ quốc phòng của VN. Vể tổng thể, VN thể hiện mong muốn đóng một vai trò tích cực đối với hòa bình và an ninh quốc tế, nỗ lực tham gia vào các vấn đề toàn cầu, giải quyết các thách thức chung như gần đây tham gia vào Hội đồng Nhân quyền thế giới. Đó là những nỗ lực tích cực đáng ghi nhận.

Quảng bá sức mạnh mềm

Vừa rồi có một chiến dịch quảng bá về thời trang, bán lẽ các thương hiệu nổi tiếng của Anh ở TPHCM. Như thế tiếp theo sau giáo dục, tiếng Anh, văn hóa, nghệ thuật, giờ là thời trang - những sức mạnh mềm điển hình của Anh được cả thế giới biết đến bắt đầu quét bão ở VN. Liệu có một tham vọng quảng bá những sức mạnh mềm của Anh theo cắt nghĩa là tăng cường giao lưu nhân dân - một trụ cột của đối tác chiến lược như thế nào, thưa Đại sứ?

Tiếng Anh thực sự là một công cụ có sức mạnh kết nối các quốc gia và phù hợp với lợi ích của VN trong hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Ngay cả trong ASEAN, tiếng Anh cũng trở thành ngôn ngữ chung. 

Hội đồng Anh được hỗ trợ bởi Chính phủ Anh đã đem lại những đóng góp to lớn, làm việc cùng Chính phủ Việt Nam để đưa tiếng Anh vào trong các trường học, giúp VN xích lại gần với thế giới. Ngoài ngôn ngữ và giáo dục, chúng tôi cũng đang thực hiện một chiến dịch để quảng bá những thương hiệu của Anh không chỉ thời trang, bán lẻ mà cả khoa học, sáng tạo....

Chúng tôi mong chờ nước Anh được nhìn nhận như một quốc gia có bề dày lịch sử, truyền thống nhưng cũng là quốc gia hết sức năng động, hiện đại, xã hội cởi mở. Nước Anh có những truyền thống vĩ đại trong khoa học sáng tạo, luôn suy nghĩ về một thế giới hiện đại và rất nhiều sáng kiến vĩ đại được phát minh bởi các nhà khoa học Anh. Điện thoại, truyền hình, ngay cả bóng đá.

Một số chương trình truyền hình nổi tiếng ở VN có bản quyền gốc từ Anh như Ai là triệu phú, Nhân tố bí ẩn (X-factor)...Khi đi trên xe taxi ở Hà Nội, tôi có thể trò chuyện rôm rả với tài xế về giải ngoại hạng Anh, liệu Manchester United chơi mùa này ra sao, hay Chealsea có vô địch hay không....

Có rất nhiều điều của nước Anh mà  tôi hy vọng có thể hấp dẫn người VN để khi đối diện họ có thể suy nghĩ tích cực về nước Anh như một đất nước, người bạn, đối tác thực sự.

Xuân Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng