- Các chuyên gia về Biển Đông lưu ý giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông.
Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia VN phối hợp tổ chức sáng nay tại Đà Nẵng.
Đây là hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 tại VN có sự tham dự của hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý và Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh ven biển và ngoại giao đoàn của các nước tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm qua có lẽ là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua”. Ông cũng khẳng định: “Tình hình càng phức tạp thì càng gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đi cùng với những phát triển đột biến trên Biển Đông là sự đột biến về số lượng các bài viết của các học giả, các phóng viên, các phát biểu của các nghị sỹ và người dân quan tâm đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.
|
Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý |
Có thể nói, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982, tôn trọng DOC và tiến tới COC, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Biển Đông càng phức tạp, chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông; để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông”.
Ông Mr. Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, nhận định vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.
Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”, hội thảo diễn ra trong hai ngày 17/18-11 với 7
phiên thảo luận: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề biển Đông; Các bên tham
gia và lực lượng hoạt động trên biển; Tình hình chung ở Biển Đông và chính sách
của các bên liên quan; Quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông; Luật pháp quốc tế:
đất liền, đại dương và bầu trời; Luật biển quốc tế: các yêu sách và giải pháp;
Các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.
Các nhà nghiên cứu về luật biển quốc tế và các nhà quân sự đưa ra cảnh báo tình
hình Biển Đông hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu các quốc gia trong khu
vực không bình tĩnh tính toán, hành động một cách nóng vội thì sẽ rất nguy hiểm
an ninh trong khu vực và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển khu vực và thế
giới.
Cựu Phó Đô đốc, nguyên tư lệnh Hải quân miền đông Ấn Độ Anup Singh cũng nêu quan điểm về việc chiếm giữ các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn trên
biển đông bằng vũ lực. Hay xây dựng cơ sở hạ tầng và tuyên bố yêu sách chủ quyền
các khu vực rộng lớn ở biển đông được xem là hành động chứng tỏ “hành động thuộc
về kẻ mạnh”.
Như việc yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra là không có cơ sở pháp
lý. Các đại dương không nên coi là “vùng lãnh thổ”. Vì vậy các quốc gia biển nói
chung và các quốc gia ven Biển Đông nói riêng cần phải có quan điểm nhất quán,
phù hợp để chống lại cách hành xử hiếu chiến hoặc quyết đoán của một nước - ông
Anup Singh đề xuất.
Vũ Trung - Linh Thư