- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, VN đã từ chối hàng trăm chuyến tàu từ Lào Cai về, xử nghiêm minh các tổ chức buôn lậu.

Tiếp sức cho phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Công thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đều đăng đàn sáng nay.

Giải trình thêm về chống buôn lậu, Phó Thủ tướng đề cập mức độ tình trạng "trầm trọng trong phạm vi rộng". Muốn chống buôn lậu tốt phải dựa vào dân, phát động người dân thượng tôn pháp luật, không tiếp tay bao che cho buôn lậu.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không tiếp tay bao che cho buôn lậu

Theo Phó Thủ tướng, VN đã từ chối hàng trăm chuyến tàu từ Lào Cai về, nâng cao năng lực phẩm chất của lực lượng chống buôn lậu như hải quan, công an, quản lý thị trường..., có các giải pháp đồng bộ quyết liệt, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, người đứng đầu có thái độ bao che, xử nghiêm minh các tổ chức buôn lậu, đáp ứng cung cầu của thị trường, có hợp tác quốc tế trong chống buôn lậu.

Với tư cách Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, Phó Thủ tướng không ngần ngại "xin hứa với QH là ban chỉ đạo sẽ quyết liệt, hết mình hơn để ngăn chặn buôn lậu". Theo ông, ngoài quyết tâm chính trị, còn phải nâng cao phẩm chất cán bộ, làm hết sức có hiệu quả và các địa phương phải vào cuộc kịp thời.

Khuyến khích dân bỏ tiền trong túi để làm ăn

Giải trình thêm quản lý giá các mặt hàng nhạy cảm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, giá xăng dầu sẽ tiếp tục thực hiện điều hành theo tín hiệu thị trường. Trong 10 tháng vừa qua đã tăng giảm 25 lần, xăng giảm 1680 đồng/lít so với đầu năm 2014…

Với giá sữa, Bộ trưởng Tài chính nhận định đây là việc khó. Đến nay đã công bố giá tối đa đối với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, so với mặt bằng đã giảm 34%. Để điều hành hiệu quả, Bộ trưởng nhấn mạnh phải phối hợp phải tốt hơn với cấp ủy chính quyền địa phương, huy động hệ thống chính trị đồng bộ.

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh chia sẻ trăn trở của Bộ Công thương về công nghiệp phụ trợ. Ông đồng tình phải có công nghiệp phụ trợ để gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa VN, nếu không đất nước sẽ mãi chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài. Nhưng đây là việc khó, ngay cả khái niệm cũng đang tranh luận giữa các nhà kinh tế.

{keywords}
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Thủ tục hành chính phải đơn giản để dân muốn lập doanh nghiệp là được

"Quan điểm của tôi, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân của VN. Nếu chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ không đề cập điều này sẽ là thiếu sót, ta sẽ cứ loay hoay chọn mũi nhọn, vì DNNN sắp tới sẽ cổ phần hóa để chỉ còn nắm những ngành then chốt", ông Vinh nói.

Bộ trưởng tin rằng phát triển DN tư nhân không chỉ tạo chuỗi giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp chính, mà còn tạo thêm nhiều việc làm. 

Ông Vinh bày tỏ vui mừng khi QH chọn năm 2015 là năm DN, đề nghị tập trung vào việc khuyến khích thành lập, cổ vũ động viên lực lượng DN vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân.

"Nghĩa là khuyến khích dân có tiền không đem gửi ngân hàng mà đem mở DN, môi trường kinh doanh sẽ phải thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn để họ muốn lập DN là làm được, phương thức tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đồng thời chuyển giao những công nghệ đơn giản", Bộ trưởng Vinh cho biết nhiều tập đoàn nước ngoài sẵn sàng chuyển giao công nghệ để nhận lại sản phẩm công nghiệp phụ trợ, nhưng lực lượng của ta chưa đủ để tiếp cận.

Họ sẽ không chỉ cung cấp cho công nghiệp trong nước mà sẽ tham gia chuỗi giá trị thế giới, vì vậy nhà nước phải giúp họ tìm thị trường và giảm giá thành để có thể cạnh tranh, việc này cần một chiến lược tổng hợp, Bộ trưởng KH-ĐT nhận định.

Chung Hoàng - Linh Thư - Hồng Nhì - Ảnh: Minh Thăng