- Trước QH, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân cả trong triển khai thi công, khai thác, vận hành đường sắt cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông. "Tiêu chuẩn an toàn là số một, sau đó mới đến hiệu quả".

Bấm nút chất vấn chiều 18/11, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) yêu cầu Bộ trưởng GTVT trả lời về loại công nghệ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. "Công nghệ cũ hay mới, tại sao tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao đến như vậy"? 

XEM CLIP:

Ông Đương nhắc lại tai nạn cáp cẩu rơi đè chết người gần đây.

"Tôi và nhiều cử tri đi tuyến đường này lo ngại. vì nó treo trên đầu hàng loạt người lưu thông. Bộ trưởng có cam kết khi đưa công trình vào vận hành khai thác tuyệt đối an toàn không? Nếu tàu rơi xuống đất thì thảm họa. Nếu không an toàn thì Bộ trưởng suy nghĩ thế nào, kể cả đội vốn hơn nữa thì có cần làm gì thêm để đảm bảo an toàn không, ví dụ chạy trong hộp cho khỏi rơi"?

'Sự cố đáng tiếc'

Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ đây là câu hỏi được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người, được lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn ODA của TQ, do nhà thầu TQ thi công, tốc độ dự kiến 40 km/h, tốc độ tối đa 60km/h, sử dụng công nghệ TQ, công nghệ mới nhất.

{keywords}

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Bộ trưởng cho hay, dự án khi đưa vào triển khai đã được phê duyệt đầy đủ, từ biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo cho người dân đi lại, nhất là thi công trong thành phố đông đúc. Vụ việc xảy ra vừa qua là một "sự cố đáng tiếc" và đã xử lý trách nhiệm của bên liên quan, cho dừng dự án kiểm tra tổng thể từng hạng mục, đảm bảo đúng thiết kế thi công an toàn mới cho triển khai trở lại.

Bộ trưởng Thăng khẳng định việc đảm bảo an toàn không chỉ trong thi công, kể cả trong khai thác, vận hành, đảm bảo khi vận hành nghiệm thu đúng quy định pháp luật, đảm bảo "an toàn tuyệt đối".

"Tiêu chuẩn an toàn là số 1 sau đó mới đến hiệu quả. Đảm bảo an toàn thi công đúng tiêu chuẩn thiết kế" - Bộ trưởng khẳng định.

Nghe đến đây, Chủ tịch QH nhắc ĐB Đỗ Văn Đương yên tâm đi trên đường đang thi công đường sắt trên cao.

Sẽ giảm giá tàu Tết

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) quan tâm các giải pháp đồng bộ để giá cước vận tải, trong đó có giá cước hàng không hợp lý, cạnh tranh các nước trong khu vực, đặc biệt khi có sân bay Long Thành.

{keywords}

ĐB Trương Minh Hoàng

Bộ trưởng Thăng cho hay mục tiêu tái cơ cấu để tăng năng suất, giảm chi phí, điểu chỉnh giá cước, phát huy lợi thế của quốc gia có đường biên dài hơn 3.000km. Hiện tỉ trọng vận tải đường bộ bắt đầu giảm, tỉ trọng đường thủy nội địa tăng, đường sắt đang trong tái cơ cấu cũng đã tăng thị phần, dẫn đến cước vận tải đường sắt giảm.

Ông nhắc dù năm nay giá xăng dầu biến động, tăng nhiều lần nhưng Tổng công ty đường sắt VN từ đầu năm đến nay không tăng giá lần nào, trong dịp Tết sẽ bán giá giảm 11-17% so với năm ngoái.

Liên quan hàng không, Bộ trưởng nói đến tái cơ cấu, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực mà tư nhân làm được, đẩy mạnh cổ phần hóa. Vietnam Airlines vừa qua đã cổ phần hóa thành công và cũng là DN từ 2011 đến nay xăng dầu tăng nhiều lần cũng không tăng giá.

Ông so sánh mức giá trên một số chặng rẻ hơn so với Thái Lan như từ TPHCM đi HN và ngược lại có mức cao nhất là 2,8 triệu đồng, thấp nhất 1,4-1,5 triệu, trong khi chặng bay độ dài tương đương Phukhet - Bangkok có mức giá cao nhất 230 USD, thấp nhất 140 USD.

Vừa đi cao tốc HN-Lào Cai vừa làm thơ

ĐB Bạch Thị Hương Thủy lo lắng khi các dự án BOT trên quốc lộ 1 sau này khi đưa thành lập trạm thu phí, khai thác trên quốc lộ, khoảng cách các trạm ra sao, làm thế nào quản lý số phí thu, tránh thất thoát, tạo điều kiện cho xe qua lại?

Trả lời ĐB, Bộ trưởng trấn an rằng mọi mức thu phí dù của nhà đầu tư được chuyển giao quản lý cũng đều phải theo quy định pháp luật, thông tư quy định khung giá của Bộ Tài chính, không thể có chuyện muốn thu bao nhiêu thì thu. Mức thu phí phụ thuộc mức tổng đầu tư dự án, lưu lượng xe và nhiều yếu tố khác.

Trả lời về mức phí cao hay thấp, Bộ trưởng Thăng dẫn ngay trường hợp đường cao tốc HN-Lào Cai khi mới đưa vào khai thác cũng bị cho là có mức quá cao. Bộ đã làm việc với Hiệp hội vận tải và tính thời gian đi tuyến đường này rút còn một nửa so với tuyến đường cũ, nếu như trước xe tải phải chạy 7-8 tiếng thì giờ chỉ còn 3-4 tiếng, chi phí tổng chung giảm 30% bao gồm cả khấu hao, sửa chữa, xăng dầu.

Chưa kể tuyến đường mới an toàn hơn, "đi vi vu hơn, không bị say, thậm chí đi đường có thể nghe nhạc, làm thơ". Thực tế sau khi đưa vào vận hành, tuyến đường sắt truyền thống đi lên Lào Cai từ HN giảm khách còn một nửa. Do đó, ngành đã phải kịp thời điều chỉnh, tăng đôi tàu chở hàng, kết nối phương thức vận tải, đưa hàng từ Quảng Ninh lên Lào Cai, giảm tải đường bộ, cước phí giảm đi.

X.Linh - T.Chung - M.Thăng - H.Nhì - Đ.Yên - Nguồn clip: VTV