- Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định với QH “tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm” trong việc đề xuất các phương án biên soạn SGK.
Sáng nay, đúng ngày Nhà giáo VN 20/11, QH thảo luận Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phát biểu trước giờ giải lao.
“Không có lợi ích nhóm”
Về đề xuất giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn SGK khác, Bộ trưởng nhấn mạnh việc biên soạn chương trình và SGK "rất khó khăn, tỉ mỉ”.
Theo ông Luận, thực tiễn của các lần làm sách trước đây cho thấy lực lượng tham gia biên soạn chương trình và SGK không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học. Thứ hai, thời gian tập trung cho việc viết sách rất dài, nhiều người cũng không có điều kiện tham gia. Thứ ba, như Bộ trưởng từng nói ở phiên thảo luận tổ, đãi ngộ cho người viết SGK và chương trình cũng chưa thoả đáng.
XEM CLIP:
“Lần này, theo dự báo của chúng tôi, lực lượng làm SGK còn ít hơn. Vì lần này chúng ta làm sách theo cách mới, theo cách tiếp cận phát triển năng lực chứ không làm như những lần trước đây là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Chúng tôi dự báo 2 khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất là với cơ chế xã hội hoá, sẽ giải phóng được sức sản xuất của xã hội. Nhiều nhóm, tập thể sẽ biên soạn. Sách biên soạn ra sẽ tốt, đa dạng, giúp cơ sở giáo dục lựa chọn được sách phù hợp nhất để sử dụng.
Khả năng thứ hai, chưa có nhiều người sẵn sàng than gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu, không kịp thời gian và có thể có những mảng sách không ai viết cả”.
“Chúng tôi rất mong khả năng thứ nhất xảy ra, nhưng kinh nghiệm lịch sử của những lần làm sách vừa rồi cảnh báo khả năng thứ hai rất có thể xảy ra”.
“Phương án Chính phủ đề xuất giao Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn 1 bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn các bộ sách khác, là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Theo chúng tôi tính toán này là thận trọng và cần thiết. Trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, mới chỉ có trong tính toán của chúng ta, thì có nên chăng loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao?” - ông Luận đặt câu hỏi.
Ông cũng khẳng định: “Ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, bởi phương án xã hội hoá SGK chính là do Bộ GD-ĐT đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định và và trình QH.
Có nhiều cách để đảm bảo bình đẳng
Theo Bộ trưởng, trong lịch sử Bộ GD-ĐT chưa từng tổ chức trực tiếp viết SGK và sẽ không trực tiếp làm việc này. Việc tổ chức biên soạn chương trình, viết SGK là do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia. Bộ GD-ĐT tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện lựa chọn nhân sự, tập huấn bổ sung thông tin kiến thức cần thiết, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ quá trình biên soạn và thẩm định, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho nhóm viết sách…
Việc thẩm định sách do một hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, chuyên gia am hiểu lĩnh vực này nhưng không tham gia vào việc viết sách... Đây là hội đồng độc lập, không phải hội đồng gồm đội ngũ cán bộ của bộ để thẩm định bộ SGK do Bộ viết ra. Hội đồng hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo tính khách quan và độc lập. Bộ GD-ĐT căn cứ vào quyết định của hội đồng quốc gia này để cho phép lưu hành những bộ SGK đạt tiêu chuẩn, yêu cầu.
Về việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định sách có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hay không, Bộ trưởng cho hay: “Con số kinh phí mà chúng tôi báo cáo với QH là kinh phí để viết 1 bộ SGK chứ không phải kinh phí cấp cho Bộ GD-ĐT để biên soạn SGK.
“Một số ý kiến cho rằng không nên để Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ sách vì không công bằng, vì nhóm này dùng tiền của Nhà nước, nhóm khác không có… Chúng ta cần phải cân nhắc vấn đề này nhưng tính toán theo hướng là để tất cả các nhóm biên soạn SGK có điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn, đều có trách nhiệm như nhau bao gồm cả trách nhiệm về pháp lý và đạo đức khi sử dụng tiền của nhân dân”.
“Theo tiếp cận của chúng tôi có nhiều cách để đảm bảo sự công bằng này bằng các giải pháp kỹ thuật. Đặt vấn đề là để đảm bảo công bằng thì không để thành phần Nhà nước tham gia nữa, hay quyết định một vấn đề hệ trọng của giáo dục mà chỉ căn cứ vào sự bình đẳng và kinh tế của các nhóm tham gia, thì cần phải cân nhắc”.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chính phủ còn có 18 đề án liên quan đến những lĩnh vực khác nhau, trong đó có đề án cơ sở vật chất thiết bị, đội ngũ giáo viên, đổi mới trường sư phạm… bên cạnh đề án đổi mới chương trình và SGK, để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện..
Ngân Anh - Minh Thăng - Đức Yên - Hồng Nhì - Nguồn clip: VTV