- Khả năng đóng tiền để không đi nghĩa vụ quân sự vẫn còn những ý kiến khác nhau khi ĐBQH thảo luận luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi hôm nay.

ĐB Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) không đồng tình với quan điểm thời bình do số lượng tuyển quân ít, số công dân trong độ tuổi nhập ngũ nhiều thì những đối tượng chưa phải đi làm nghĩa vụ quân sự có thể đóng góp tiền thay thế, để quân đội mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại hóa quân đội.

"Một nghĩa vụ thiêng liêng, một quyền cao quý của công dân được Hiến pháp quy định, đó là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, chỉ có thể tính bằng xương, bằng máu chứ không thể quy đổi thành tiền", ông Tiến nói.

{keywords}

ĐB Lê Hiền Vân

ĐB Trần Hữu Tuất (Nghệ An) đồng quan điểm: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân. Nếu quy định nghĩa vụ quân sự thay thế sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng.

Trong khi đó, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) lại đề xuất bổ sung quy định: Những đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự khi quá tuổi luật định mà chưa tham gia nghĩa vụ quân sự thì tiếp tục tham gia lao động công ích thời hạn 1 năm cho đến 35 tuổi. Trường hợp vì lý do công việc không phù hợp thì có thể tự lo việc làm và đóng tiền thay lao động công ích.

"Thanh niên chưa tham gia nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thì làm nghĩa vụ xây dựng đất nước, cũng là được đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng và đảm bảo công bằng xã hội", ông Khanh nói.

18 hay 24 tháng?

Việc thời hạn phục vụ trong quân ngũ có nên tăng lên thống nhất 24 tháng không cũng có những ý kiến khác nhau.

ĐB Phạm Hồng Hương (Hải Dương) ủng hộ 24 tháng do "những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực trong thời gian gần đây, đặc biệt là những điều chỉnh về mặt chiến lược, về lập trường cứng rắn cũng như sự quyết đoán của các nước lớn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc".

"Họ bất chấp cả công ước và luật pháp quốc tế xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ, lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác và ảnh hưởng đến lợi ích của rất nhiều bên có liên quan, đang đẩy thế giới đến gần hơn với những nguy cơ xung đột và chạy đua vũ trang mới", ông Hương nói.

"Nước ta không có tham vọng nhòm ngó chủ quyền lãnh thổ của bất cứ quốc gia, dân tộc nào mà chúng ta chỉ với một quyết tâm là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chính sách quốc phòng của chúng ta là hoà bình, tự vệ là rất rõ ràng. Song, đứng trước những nguy cơ, thách thức đang trực tiếp đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc thì chúng ta cũng không thể không tăng cường tiềm lực quốc phòng, cũng không thể không nghĩ đến việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng xây dựng quân đội".

ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội) cũng nói: Thời gian qua quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài, kỹ thuật ngày càng hiện đại, cần nhiều thời gian học tập, huấn luyện để làm chủ, hợp đồng tác chiến.

"Huấn luyện chiến sĩ mới ít nhất là 3 tháng, thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, dân vận, phòng, chống lụt, bão... khoảng 2-3 tháng. Nếu chỉ tại ngũ 18 tháng thì chỉ còn 1 năm để học tập chính trị, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, huấn luyện kỹ năng sử dụng vũ khí, khí tài, huấn luyện tác chiến và hợp đồng tác chiến là rất eo hẹp và hạn chế".

{keywords}

ĐB Phạm Tất Thắng

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cũng phản ánh: Một chiến sĩ bộ binh để huấn luyện có thể tham gia bắn đạn thật thành thạo cấp tiểu đoàn, đủ bản lĩnh chính trị mất khoảng 12-15 tháng. Nếu chỉ tại ngũ 18 tháng thì cơ bản huấn luyện xong là ra quân.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thì thấy phương án 24 tháng sẽ giảm về thời gian, kinh phí trong việc thực hiện công tác giao quân, đón quân xuất ngũ mỗi năm 2 lần của cấp tỉnh, tạo sự công bằng, không còn phân biệt giữa thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, bộ binh với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sỹ quan binh sỹ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo và binh sỹ trên tàu hải quân.

Nhưng ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thấy 18 tháng là phù hợp, vì quân đội cần người có trình độ phù hợp, đáp ứng nhu cầu.

"Trong số công dân nhập ngũ có nhiều em đã trúng tuyển đại học, nếu phát hiện em nào đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ trong quân đội thì có thể chọn để đào tạo đúng chuyên môn, nhận vào công tác lâu dài trong quân đội. Như vậy, không nhất thiết phải tăng thời hạn tại ngũ lên 24 tháng đối với tất cả các công dân nhập ngũ".

ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) phân tích nâng từ 18 tháng lên 24 tháng thì sẽ có một sự bất bình đẳng khác, giữa những người thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ phải đóng góp tham gia thời gian dài hơn với tỷ lệ lớn hơn không thực hiện nghĩa vụ quân sự.

ĐB Lê Thị Tám (Nghệ An) nói thẳng: Thực tiễn làm nghĩa vụ quân sự hiện nay vẫn 80% là con em nông dân nghèo, kéo dài thành 24 tháng thì đối tượng thiệt nhất vẫn là con em nông dân.

"Một con người trong độ tuổi lao động vàng như thế sẽ thì mất bao nhiêu cơ hội? Cần tính toán chứ cái gì cũng dồn thiệt hại vào người nông dân là mất công bằng".

Bà Tám cũng hỏi thêm: Kéo dài như vậy có ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia không?

Dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi sẽ còn được tiếp tục thảo luận tại kỳ họp tới.

Chung Hoàng - Hồng Nhì - Minh Thăng