Sáng 25/11, tại thành phố Sochi của Liên bang Nga, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nga, đồng thời là Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất” Dmitry Medvedev.

>> Tổng bí thư thăm chính thức LB Nga

Thủ tướng Medvedev đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để hai nước tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng “Nước Nga Thống nhất” cầm quyền.

{keywords}

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Medvedev. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ ấn tượng sâu sắc đối với sự điều hành của Chính phủ cũng như của cá nhân Thủ tướng Medvedev trong bối cảnh thời gian gần đây nước Nga phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Liên bang Nga vẫn tiếp tục phát triển về mọi mặt.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam.

Trao đổi về các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai bên cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại song phương đã có bước phát triển năng động, song còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực để nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và đến năm 2020 là 10 tỷ USD.

Để thực hiện được điều đó, trước mắt phía Nga cam kết sẽ thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan để nhanh chóng đi đến ký kết chính thức vào đầu năm 2015, từ đó tạo điều kiện cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của hai nước lưu thông dễ dàng vào thị trường của nhau, thúc đẩy tăng trưởng vững chắc các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Medvedev bày tỏ hài lòng về sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng; cho rằng, đây là lĩnh vực then chốt có ý nghĩa chiến lược đối với hai nước, đặc biệt là hợp tác về dầu khí và điện hạt nhân.

Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau, trong đó việc miễn giảm thuế và mở rộng địa bàn hoạt động; đồng thời cùng tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trong lĩnh vực điện hạt nhân, Phía Nga khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam  thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý để Dự án được triển khai đúng quy trình, hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện Dự án cũng như quản lý, vận hành công trình và làm chủ công nghệ sau này. 

Ông Medvedev cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Nga, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong thời gian tới phía Nga giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt được cấp, nhận các giấy tờ để sinh sống và làm việc hợp pháp theo luật pháp của Liên bang Nga; cùng phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến cộng đồng người Việt Nam, phù hợp với các quy định của pháp luật Nga, pháp luật Việt Nam.

Tổng bí thư cũng đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Nga hỗ trợ để Trung tâm Văn hóa – Thương mại (đa chức năng) INCENTRA tại Nga đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, xây dựng tại đây Trung tâm Y học dân tộc để chữa bệnh cho người Việt và người Nga, hỗ trợ để sớm mở đường bay từ Việt Nam đi Vladivostok và ngược lại.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Medvedev nhất trí cho rằng các tranh chấp trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Theo Vietnam+