Thành phố Lào Cai đã qua một hành trình xây dựng và phát triển với những chiến lược 10 năm…

Nhìn lại những ngày đầu sau bao biến cố thăng trầm của lịch sử, năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập trên cơ sở tách ra từ mái nhà chung Hoàng Liên Sơn. Năm 1992, thị xã tỉnh lỵ Lào Cai được tái lập.

Năm 2002, do yêu cầu và mở rộng không gian đô thị cho phát triển khu kinh tế cửa khẩu hai thị xã Lào Cai và Cam Đường xác nhập thành thị xã tỉnh lỵ Lào Cai. Suốt 12 năm chung sức với các địa phương trong tỉnh thị xã Lào Cai bước vào một trang mới.

Ngày 30/11/2004 Thủ tướng chính phủ công nhận thị xã Lào Cai là đô thị loại III chính thức trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh.

Trong ký ức của người dân Thành phố Lào Cai, lên thành phố, mọi việc ngổn ngang, hai thị xã sáp nhập không phải là phép cộng đơn thuần để thành quy mô.

Và cũng phải mất 10 năm để thành phố từ đô thị loại III trở thành đô thị loại II. Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1975 QĐ -TTg công nhận thành phố biên giới Lào Cai là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Lào Cai.

Là tỉnh lỵ duy nhất của cả nước nằm sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc nằm trên tuyến giao thông huyết mạch cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội (Việt Nam) - Côn Minh(Trung Quốc).

Thành phố Lào Cai cũng là điểm đầu của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam). Ngày nay, Thành phố Lào Cai đang vươn mình với những thành tựu nổi bật cả về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

Trao đổi về chiến lược phát triển kinh tế Lào Cai trong thời gian tới, ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: "Với tỉnh Lào Cai du lịch được xác định là khâu mũi nhọn cũng là một trong những lợi thế của tỉnh. Quan điểm của tỉnh trong phát triển du lịch là hướng phát triển bền vững. Yếu tố bền vững ở đây là Lào Cai có 25 dân tộc trong đó dân tộc thiểu số là trên 64%. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng biệt và hết sức độc đáo. Đây chính là một trong những nét độc đáo mang tính chất riêng biệt để phát triển du lịch".

Theo Chủ tích tỉnh Lào Cai, "Hiện nay, các nhà đầu tư có tiềm năng cũng đang tiếp tục triển khai các dự án, các cơ sở lưu trú cao cấp như khách sạn 4 sao, 5 sao các điểm vui chơi giải trí. Tuy nhiên, để giữ được bản sắc văn hóa các dân tộc chúng tôi cũng đã có những quy hoạch chiến lược phát triển du lịch khá rõ ràng. Với Lào Cai điểm căn bản nhất là phải giữ được các nét văn hóa dân tộc độc đáo này".

Thành phố Lào Cai đã qua một hành trình xây dựng và phát triển với những chiến lược 10 năm. 10 năm để thành phố Lào Cai từ đô thị loại III trở thành đô thị loại II và có thể sẽ là loại I trong tương lai.

Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tiềm năng, lợi thế để phát triển của Lào Cai còn rất lớn, thành phố trẻ biên cương nơi địa đầu Tổ quốc đã và đang phấn đấu để từng bước trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, thương mại và du lịch của vùng Tây Bắc và là cầu nối kinh tế Việt Nam với vùng tây nam rộng lớn của Trung Quốc.

Mời độc giả chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp như mơ về Lào Cai:

Thu Lý
Video: Iflyteam