Sau nhiều năm nâng cấp, tàu sân bay Varyag có thể được hạ thủy trong năm nay, trở thành con tàu lớn nhất, hoành tráng nhất trong lực lượng hải quân quân đội Trung Quốc (PLAN).

Phân tích của tác giả Richard A.Bitzinger - chuyên gia nghiên cứu cấp cao Chương trình Thay đổi quân sự tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore và Paul T.Mitchell - giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại trường quân sự Canada ở Toronto, Canada.

Varyag sẽ không phải là tàu sân bay duy nhất của PLAN; nhiều đồn đoán cho thấy, Trung Quốc dường như xây dựng 4 đến 6 tàu sân bay. Tuy nhiên, trong khi PLAN đang trên con đường trở thành lực lượng hải quân sở hữu tàu lớn, thì việc này sẽ không xảy ra sớm sủa hay dễ dàng.

Varyag suýt chỉ là một sòng bạc nổi

Một “di sản” của hậu Chiến tranh Lạnh, Varyag được bắt đầu xây dựng vào đầu những năm 1980 nhưng công việc bị dừng lại năm 1992 khi con tàu mới chỉ được hoàn thành khoảng 70%. Ukraine, nước sở hữu con tàu sau khi Liên Xô tan rã, đã dỡ bỏ một số trang bị trên tàu, và để cho tàu “phơi mưa phơi nắng”. Cuối cùng, khi Varyag được bán và chuyển về cho Trung Quốc năm 2001 - để có thể trở thành một sòng bạc nổi tại Macau - nó chỉ còn lớp vỏ gỉ sét, không động cơ, không hệ thống vũ khí hay điện tử.

Hơn thế nữa, quá trình dỡ bỏ các thiết bị nhạy cảm trên con tàu đã dẫn tới việc phá hủy kết cấu, nên thậm chí khả năng đi biển của nó cũng đáng nghi ngờ.

Tàu sân bay Varyag được đại tu tại cảng Đại Liên. Ảnh: THX
Không nản lòng, vào giữa năm 2005, người Trung Quốc đưa Varyag đến một xưởng đóng tàu tại Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc, nơi con tàu được sơn màu xám đặc trưng của PLAN và phần bãi đáp máy bay trên boong được sang sửa lại. Sau đó, hệ thống động cơ và điện tử của tàu được lắp đặt và phần cầu tàu cũng xây dựng lại.

Khi ấy, Trung Quốc vẫn thiếu các máy bay có thể sử dụng trên tàu sân bay. PLAN bắt đầu chú tâm vào máy bay chiến đấu Su-33, loại máy bay hoạt động trên con tàu sân bay duy nhất của Nga mang tên Đô đốc Kusnetzov. Có rất nhiều tin đồn về việc Trung Quốc có thể mua tới 50 máy bay S-33 từ Nga hoặc đã tậu được hai chiếc từ Ukraine và đang trong quá trình “mổ xẻ” máy bay.

Những bước tiếp theo

Varyag có lẽ chủ yếu sử dụng làm nền tảng nghiên cứu và huấn luyện cho đội ngũ thiết kế, thủy thủ đoàn tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai, hơn là hoạt động đầy đủ như một chiếc tàu sân bay toàn diện. Cùng lúc đó, Trung Quốc được cho là bắt đầu xây dựng một số tàu sân bay trong nước. Ước tính của Nhóm Thông tin Jane’s cho thấy, PLAN có thể xây dựng tới 6 tàu sân bay, và chiếc đầu tiên sẽ xuất hiện vào giữa thập niên này.

Khi điều đó xảy ra, điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi quan điểm của PLAN về Nhóm tàu sân bay tác chiến (CVBG), với việc coi tàu sân bay là trái tim của đội tàu hỗ trợ gồm tàu ngầm, tàu khu trục - một sự hợp nhất trong trình diễn sức mạnh hàng đầu. Các CVBG như vậy nằm trong số trang thiết bị ấn tượng nhất của sức mạnh quân sự, về lực lượng tấn công bền vững, sâu rộng và có khả năng viễn chinh.

Thách thức

Tuy nhiên, việc có một con tàu sân bay không đơn giản là tự động chuyển đổi trở thành một lực lượng hải quân sở hữu tàu sân bay. Trung Quốc có thể mất 15-20 năm trước khi có một nhóm CVBG gồm 4-6 sáu chiếc. Và, các thách thức đặt ra với việc vận hành hoạt động hạm đội này không hề nhỏ. Hạ cánh trên tàu sân bay là công việc căng thẳng nhất trong hoạt động bay. Đồng thời, boong tàu sân bay là một khu vực làm việc rất nguy hiểm vì kích cỡ tương đối nhỏ, và số lượng nhiều hoạt động cùng diễn ra ở một nơi trong cùng một thời điểm. Do đó, rủi ro dẫn đến cái chết của một phi công hay người hỗ trợ là rất cao.

Hoạt động tàu sân bay là cả một gánh nặng. Hơn mọi tàu chiến khác, tàu sân bay là “hệ thống của hệ thống” bên trong và của chính bản thân nó. Các tàu sân bay có thể có những loại máy bay khác nhau trên boong. Một tàu sân bay Mỹ có khoảng bốn phi đội chiến đấu cơ riêng biệt, một phi đội chiến đấu điện tử, một phi đội chống tàu ngầm và các trực thăng tìm kiếm cứu hộ, một phi động cảnh báo sớm và một phi đội vận chuyển hàng hóa. Hơn thế nữa, cái gọi là “chu kỳ hoạt động” - khởi động và phục hồi liên tục của các sứ mệnh bay trong một ngày - đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc, tất cả đều đòi hỏi sự thực hành liên tục để sẵn sàng tiếp cận với bất kỳ mức độ nào. Điều đó có nghĩa là không chỉ cần tới một cơ sở đào tạo lớn trên bờ mà còn cần đến việc diễn tập thường xuyên trên biển.

Do đó, có thể đặt câu hỏi việc việc PLAN sẽ cố gắng lặp lại sự phức tạp của một tàu sân bay Mỹ. Tàu Varyag sử dụng thiết kế kiểu nhảy cầu “ski-jump”. Kiểu này cung cấp nhiều lợi thế: khi cất cánh nó sẽ không tạo ra áp lực cho khung máy bay và phi công, cho phép trọng lượng máy bay nhẹ hơn vì ít phải tăng cường cấu trúc khung. Khi đã lên không, máy bay sẽ có được góc tấn công lớn, làm tăng thêm tốc độ bay. Nhưng mặt khác, máy bay cất cánh kiểu này không thể mang tải trọng nặng (như trang bị vũ khí và nhiên liệu), vì thế bị hạn chế lớn về hỏa lực và phạm vi hoạt động.

Điều sẽ tới

Bất chấp các thách thức, PLAN rõ ràng muốn trở thành lực lượng hải quân có tàu sân bay. Nếu thập niên trước thể hiện cho chúng ta biết điều gì đó về quân đội Trung Quốc, thì đó là một quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ tài nguyên vào việc hiện đại hóa quân sự - gần đây nhất là việc nâng chi tiêu quốc phòng lên 12,7% ở mức 91,5 tỉ USD. Nếu Trung Quốc thành công trong việc có được không chỉ một mà là cả một hạm đội tàu sân bay, thì hạm đội ấy sẽ tạo nên những đột phá lớn trong nỗ lực mở rộng sức mạnh quân sự Trung Quốc. Cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ thay đổi.


Thái An (Theo eurasiareview)