- Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức sáng nay đã tới với đông đảo nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Sự kiện này tiếp nối các cuộc triển lãm trước đó đã diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Phú Yên, 3 điểm tại huyện đảo Trường Sa, TP Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cà Mau, tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô.
|
Nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ triển lãm, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, nằm ở địa đầu Tổ quốc, Cao Bằng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những di tích lịch sử văn hóa như hang Pác Bó, suối Lênin, khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… Trong bối cảnh gìn giữ hòa bình, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, Cao Bằng luôn vững vàng ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
|
“Việc công bố các tư liệu, bằng chứng này nhằm nâng cao nhận thức pháp lý lịch sử, tăng cường tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng và cần thiết”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, tuy là tỉnh không có biển nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng cần nắm vững và nâng cao nhận thức để đẩy mạnh tuyên truyền về phân giới cắm mốc và chủ quyền biển đảo, nắm vững những vấn đề lịch sử và cơ sở pháp lý - lịch sử, xây dựng môi trường hòa bình ổn định, biến khu vực biên giới thành khu vực hữu nghị và phát triển.
|
Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa hiện nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Các nhóm tư liệu chính như: Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Sưu tầm gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay…
|
Đáng chú ý có 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản (Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, Trung Quốc bưu chính dư đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ).
Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của TQ. Nơi nào không thuộc lãnh thổ TQ thì không được thể hiện trên các bản đồ atlas. Cương giới cực Nam của TQ trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.
|
Phó chủ tịch tỉnh Cao Bằng Trần Hùng cho biết, cuộc triển lãm diễn ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh có điều kiện tìm hiểu trực quan thông qua nhiều nguồn tư liệu lịch sử và pháp lý quan trọng của VN và nước ngoài về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách phi lý của TQ với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN.
|
Xem lại những bức ảnh thực thi nhiệm vụ trong thời gian TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của nước ta, Đại tá Trần Văn Hậu, Phó chính ủy Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 1, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển VN nói: "Cảnh sát biển sẽ quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng với các lực lượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước”.
Toàn bộ những tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày, cùng 30 bộ máy vi tính đã được Bộ TT&TT trao tặng cho tỉnh Cao Bằng.
Hồng Nhì