- Khảo sát bước đầu của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy khi biết có tham nhũng, tiêu cực trong các dự án xóa đói giảm nghèo ở xã, 80% người dân phản ánh, kiến nghị đến MTTQ, ban thanh tra nhân dân..., nhưng vẫn còn 20% người dân không làm thế.

Hôm nay, TTCP chia sẻ kết quả nghiên cứu, khảo sát về hoạt động giám sát đu tư của cộng đồng đối với các dự án xóa đói giảm nghèo (XĐGN) nhằm phòng ngừa tham nhũng. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng TTCP Lê Tiến Hào nhận định các dự án XĐGN ở cấp cơ sở đạt được nhiều thành tựu nhưng khó tránh những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bà Fiona Quinn, Phó trưởng ban phát triển, ĐSQ Ireland, cơ quan tài trợ khảo sát, từ đó nhận định sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc giám sát các dự án này là rất quan trọng.

{keywords}
Hội thảo do Thanh tra CP tổ chức.

Chia sẻ kết quả, TS. Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát, nhận định: các dự án XĐGN luôn có nguy cơ tham nhũng, thất thoát, tiêu cực, do đó cần có giám sát từ cơ sở, có tiếng nói của người dân. 

Theo Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng đã được ban hành, người dân được khuyến khích theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư.

Người dân có thể thông qua các thiết chế như Ban giám sát đầu tư cộng đồng (đại diện cho nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án trên địa bàn xã, thay mặt người dân đưa ra các yêu cầu, kiến nghị, phản ánh...), ủy ban MTTQ cấp xã (giám sát đầu tư cộng đồng là một trong những hoạt động cơ bản của MTTQ) hay Ban thanh tra nhân dân (được bầu ra để đại diện cho người dân trong xã, có uy tín, năng lực và kinh nghiệm giám sát, để giám sát các công trình, dự án từ từ đầu đến cuối).

"Tuy vậy, người dân cũng không phân biệt các thiết chế này, khi có việc, họ tin tưởng nơi nào thì tìm đến nơi đó để phản ánh", ông Đinh Văn Minh nhận định. Qua khảo sát cho thấy, MTTQ xã là chủ thể phổ biến của hoạt động giám sát này, nhưng bản thân người dân cũng khá chủ động.

Một trong những nội dung giám sát chủ yếu là hiệu quả đầu tư và việc phát hiện lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án. Đây được cho là nội dung thuận lợi vì không đòi hỏi chủ thể giám sát, tức người dân và các thiết chế trên, có chuyên môn sâu về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, dễ dàng quan sát, đối chiếu, so sánh...

Trong khi đó, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư của nhà thầu là nội dung khó nhất, đòi hỏi chuyên môn sâu, thu thập đầy đủ thông tin.

Theo kết quả khảo sát, khi biết có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các dự án XĐGN, có tới 80,1% người dân phản ánh, kiến nghị đến các tổ chức giám sát cộng đồng. Nhưng vẫn còn 19,9% người dân không phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng, tiêu cực, xuất phát từ nhiều lý do: không biết phản ánh kiến nghị với ai, sợ bị trả thù, nghĩ là không có hiệu quả.

"Một khảo sát gần đây cũng cho thấy tỉ lệ người dân sẵn sàng tố cáo tham nhũng ở VN thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Minh nói.

Khảo sát cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa khiến hiệu quả của hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đối với các dự án XĐGN chưa được phát huy là việc thu thập thông tin còn hạn chế. Phần lớn thông tin là do chính quyền và cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Thành viên các tổ chức giám sát đầu tư cộng đồng cũng tự thu thập, tìm kiếm thông tin trong khi thông tin do chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp là ít.

"Điều này cũng dễ hiểu, người làm ăn đều muốn tối đa hóa lợi nhuận, không muốn ai 'thò mũi' vào, do đó cần cơ chế để bắt buộc họ phải cung cấp thông tin", ông Đinh Văn Minh nhận định.

Tuy vậy, qua giám sát cũng đã phát hiện sai phạm trong các dự án XĐGN, trong đó phổ biến nhất là dự án kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Đây cũng là một trong những dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao nhất, thể hiện ở các hành vi sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, bớt xén nguyên liệu, nâng giá nguyên vật liệu, thi công sai thiết kế, hỗ trợ không đúng đối tượng...

Khảo sát cũng cho thấy, thông qua phản ánh của hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng, phần lớn các chủ đầu tư, nhà thầu chỉ khắc phục một phần sai phạm, tỉ lệ khắc phục hoàn toàn chỉ đạt 1/3.

"Người dân và các thiết chế trên cũng chỉ có thể giám sát các dự án do xã làm chủ đầu tư, chứ do huyện, tỉnh, trung ương thì khó, nhiều dự án trên địa bàn xã mà người dân, chính quyền xã còn không biết ai là chủ đầu tư", ông Đinh Văn Minh phản ánh.

Lần đầu thực hiện, việc khảo sát mới chỉ diễn ra ở 4 tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Trà Vinh, chủ yếu với các dự án XĐGN do Ireland tài trợ. Nhưng đại diện TTCP khẳng định kết quả này phản ánh đúng thực tiễn, vì ngoài hình thức phát phiếu, phỏng vấn còn có hội thảo trực tiếp với người dân địa phương.

Chung Hoàng