- Bộ Thông tin - Truyền thông nhận định hai trong số các điểm nhấn của năm 2014 là tuyên truyền chủ quyền biển đảo và xử lý sai phạm trong báo chí, xuất bản.
>>
'Cần phương thức quản lý tốt hơn thông tin mạng'
>>
Thông tin tham nhũng phải khách quan, trung thực
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm nay (25/12), thay vì một bản báo cáo đọc trước cử tọa, những điểm nhấn trong công tác của ngành một năm qua được thể hiện sinh động qua một đoạn phim.
Trong đó, năm 2014, các cơ quan báo chí, xuất bản đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động, sự kiện chính trị lớn của đất nước, tuyên truyền các phong trào lớn như Học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM, cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN...
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son: Thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển đảo là một điểm sáng |
Đưa tin, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội; phản ánh sinh động đời sống, sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời phản bác hiệu quả những luận điều sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, qua đó làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân.
"Đặc biệt, thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển đảo là một điểm sáng, người dân trong và ngoài nước hiểu rõ hơn cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về hành động sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN", Bộ TT&TT nhận định.
Chia sẻ nhận định này, ông Trần Duy Bình, GĐ Sở TT&TT Thanh Hóa, trong tham luận của mình, cho biết nhờ chủ động, tích cực tuyên truyền trên các tuyến biển và các khu công nghiệp, nên dù có nhiều khu công nghiệp, nhiều người nước ngoài nhưng tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Một điểm nổi bật nữa là công tác thanh tra để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ đã đẩy mạnh rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với một số cơ quan báo chí, xuất bản có biểu hiện chệch hướng về đường lối, mắc sai phạm nghiêm trọng có tính hệ thống, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - tư tưởng, bảo vệ nền báo chí cách mạng, làm lành mạnh hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Cụ thể, Bộ đã ban hành 125 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 3,8 tỷ đồng. Nêu ý kiến từ địa phương, ông Phan Quang Thao, GĐ Sở TT&TT Phú Thọ, nhận định "thái độ xử lý kiên quyết của Bộ nhận được sự đồng tình của địa phương và nhân dân".
Các địa phương đều bày tỏ kỳ vọng vào việc sửa luật Báo chí trong năm 2015. Ông Dương Ngọc Hưng, GĐ Sở TT&TT Ninh Thuận đề nghị tổ chức các hội nghị khu vực để có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo. Ông Mai Quốc Tuấn, GĐ Sở TT&TT Quảng Ninh cũng cho biết rất mong chờ quy hoạch báo chí quốc gia.
Huy động ý kiến nhân dân cho đại hội Đảng các cấp
Trao đổi với cán bộ, công chức ngành thông tin - truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành có sự đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo nền tảng cho kinh tế tăng trưởng bền vững và nhanh hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thông tin chính thống mà tốt, nhiều, chuẩn thì ảnh hưởng của thông tin xấu sẽ giảm bớt |
"Năm 2015 có nhiều ngày kỷ niệm lớn, và có đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh yêu cầu tuyên truyền để tạo không khí phấn khởi chung trong xã hội, nhiệm vụ quan trọng của ngành là tạo sự đồng thuận, phát huy ý chí, sức sáng tạo của nhân dân, để đất nước quyết tâm vượt lên những hạn chế của chính mình, phát triển nhanh hơn, chắc hơn, thu hẹp khoảng cách với các nước", Phó Thủ tướng nói.
Cụ thể, ông Vũ Đức Đam chỉ ra, Văn kiện Đại hội Đảng luôn là dấu mốc quan trọng cho thời kỳ phát triển tới, nên trách nhiệm nặng nề mà ý nghĩa của ngành thông tin - truyền thông là huy động sự đóng góp ý kiến của nhân dân, biến đại hội các cấp thành sự kiện lớn, không chỉ của Đảng mà của cả nước, để các văn kiện có được phương hướng đúng và phù hợp xu thế, giúp đất nước đi nhanh hơn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Gần các sự kiện lớn, cần chú trọng đấu tranh chống lại những thông tin không đúng sự thật, bất lợi, gây chia rẽ, nhụt chí, đồng thời chủ động tích cực cung cấp những thông tin đúng, nhanh. Thông tin chính thống mà tốt, nhiều, chuẩn thì ảnh hưởng của thông tin xấu sẽ giảm bớt, ông Vũ Đức Đam cho rằng đây là nhiệm vụ không chỉ của ngành mà của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng nhắc nhở rằng nhu cầu thông tin của nhân dân đến vùng sâu vùng xa còn rất lớn. Chính phủ cũng chủ trương tập trung đầu tư lĩnh vực này để góp phần phát triển hài hòa các vùng miền. Trong đó, báo chí được khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhưng phải giữ đúng định hướng, không để bị chi phối.
Chung Hoàng - Ảnh: Xuân Lộc