- Hội đồng trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã bác bỏ hoàn toàn tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie (Pháp) đối với Chính phủ Việt Nam trong dự án bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP.HCM.
Sáng nay, tại cuộc họp báo tổng kết quý 4/2014 của Bộ Tư pháp, Chánh văn phòng Bộ Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam vừa tiếp tục thắng một vụ kiện quốc tế.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng |
Theo ông Dũng, ngày 17/11 vừa qua, Hội đồng trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TPHCM.
Vụ việc xuất phát từ tháng 3/2001, bệnh viện DialAsie ký hợp đồng thuê tòa nhà tại phố Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM của Liên hiệp hợp tác xã (HTX) Thương mại TP HCM (Sài Gòn Coop) với giá 23.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, sau đó, bệnh viện DialAsie không trả được tiền nên Sài Gòn Coop đưa đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.
Tháng 2/2005, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam buộc bệnh viện DialAsie phải trả cho Sài Gòn Coop hơn 571.000 USD (tương đương 8 tỉ đồng).
Đến tháng 12/2005, Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị bệnh viện DialAsie ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới và chuyển các bệnh nhân đang điều trị tới các trung tâm y tế khác.
Năm 2011, nhà đầu tư Pháp kiện Chính phủ Việt Nam tới Tòa trọng tài quốc tế vì cho rằng Việt Nam vi phạm hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Pháp.
Tuy nhiên, phán quyết của trọng tài La Hay đã chỉ rõ, Hội đồng trọng tài cho rằng không có bất kỳ một cơ quan nhà nước nào của Chính phủ Việt Nam vi phạm hiệp định, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện bất kỳ một hành động sai trái nào; mọi hành động của Saigon Coop hoàn toàn tuân theo pháp luật Việt Nam và không thể quy các hoạt động của Saigon Coop là hành động của Chính phủ Việt Nam.
Trên tất cả các căn cứ này, khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ.
“Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu của nguyên đơn”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài UNCITRAL.
Theo ông Dũng, đây là thắng lợi thứ hai của Chính phủ Việt Nam sau vụ kiện South Fork (đã có phán quyết vào tháng 12/2013).
“Trong bối cảnh Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang dọa kiện thì thắng lợi này có ý nghĩa quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Hường, Vụ Pháp luật quốc tế thông tin thêm, trong vụ kiện DialAsie này, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì giải quyết vụ kiện.
Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu vụ kiện, thuê công ty luật, chỉ định trọng tài viên.
Hồng Nhì