Một câu nói của Stéphane Charbonnier, Tổng thư ký tòa soạn tạp chí châm biếm của Pháp Charlie Hebdo, cũng là một trong số 12 người bị sát hại trong vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí này hôm thứ tư đã trở thành lời văn khắc trên bia mộ ông.

Năm 2012, tờ Le Monde đã trích lời ông khi nói về những đe dọa nhằm vào ông, vào tạp chí do vẽ và đăng tải các bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Khi ấy, ông nói: "Những gì tôi nói ra có thể là một chút kiêu ngạo, nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ".

{keywords}
Ảnh: AP
Charlie Hebdo từng gây tranh cãi vì vẽ biếm họa nhà tiên tri Mohammad, khiến trụ sở của họ bị đánh bom và các nhà báo bị dọa giết hồi năm 2011. Nhiều người phương Tây không đồng tình với cách làm của Charlie Hebdo. Tạp chí này nổi tiếng về sự táo tợn. Nó sẵn sàng châm biếm không trừ một ai, từ các chính trị gia cho tới các chức sắc tôn giáo (kể cả Đức Giáo hoàng và nhà tiên tri Mohammad) bằng các bức họa của mình.
 
Charlie Hebdo thường xuyên hứng chịu “làn đạn” chỉ trích nặng nề liên quan đến các bức biếm họa. Thế nhưng trước các đe dọa và chỉ trích đó các biên tập viên của tạp chí này vẫn tỏ ra kiên định. Họ cho đó là quyền tự do ngôn luận.
 
Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng biên tập của Charlie Hebdo - Gerard Biard, người thoát chết khỏi cuộc thảm sát vì đi công cán tại London - đã giải thích về việc vì sao ông từ chối rút lại những bức biếm họa. Ông tuyên bố tờ báo luôn tuân thủ luật lệ tự do của nước Pháp, chứ không phải luật ở nước nào khác.
 
Có những thông tin cho rằng, Charlie Hebdo chỉ có ít nhân viên, bao gồm những người vẽ tranh biếm họa và nhà báo - các cộng sự làm việc cùng với Stéphane Charbonnier để tạp chí xuất hiện trên sạp báo tại Paris. Trong vụ thảm sát hôm thứ tư, có 12 người đã thiệt mạng và ít nhất 10 người bị thương.
 
Chưa một nạn nhân nào được chính thức nhận diện nhưng tờ France24 dẫn lời một luật sư của báo cho biết tên của bốn người bị sát hại đó là Jean Cabut (Cabu), Stéphane Charbonnier (Charb), Tignous và Wolinski.
 
Tignous trước đó từng nói rằng, những bức biếm họa hay nhất không chỉ khiến độc giả cười và suy nghĩ, chúng còn khiến người ta cảm thấy ngượng ngùng vì có thể cười trong tình huống như vậy. Đó cũng là quan điểm mà Charlie Hebdo hướng tới.
 
Một thành viên giấu tên của Charlie Hebdo nói với truyền thông Pháp rằng, ông và các cộng sự thường xuyên nhận được những lời đe dọa từ thư điện tử và điện thoại, nhưng họ không coi điều này là quá nghiêm trọng.
 

Ông nói: "Vài tháng qua, chúng tôi không cảm thấy quá lo lắng dù bị đe dọa. Dĩ nhiên, chúng tôi được cảnh sát bảo vệ, nhắc nhở chúng tôi về sự nguy hiểm. "Charb cũng được cảnh sát bảo vệ, nhưng đôi khi anh ấy ra ngoài mà không có họ. Luz và Riss cũng có cảnh sát bảo vệ nhưng việc này đã dừng lại khoảng một năm trước đây. Lúc nào chúng tôi cũng nhận được thư và cuộc gọi đe dọa. Nhưng chúng tôi không nghiêm trọng chuyện này".

{keywords}
Ảnh: Getty Images

 

Dù không được biết nhiều ngoài nước Pháp, nhưng những người vẽ tranh biếm họa và nhà báo của Charlie Hebdo đã góp phần định hình một thế hệ báo chí Pháp. Họ bị đe dọa, nhưng không bao giờ từ bỏ, không bao giờ nhượng bộ. Charlie Hebdo không quá thịnh hành ở Pháp. Mỗi tuần khoảng 50.000 bản (so với 500.000 bản của Le Canard Enchaîné - đối thủ của họ trong lĩnh vực báo chí châm biếm). Tạp chí này cũng phải thường xuyên vật lộn với vấn đề tài chính. Thậm chí trong tháng 11, họ đã kêu gọi tài trợ để duy trì hoạt động.
 
Pháp hôm qua tổ chức quốc tang cho 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công. Hàng ngàn người đã đổ ra đường phố châu Âu trong thời tiết lạnh giá, giơ cao cây bút thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ với các nạn nhân cũng như tự do ngôn luận tại Pháp.
 
Khi tin tức lan truyền về vụ thảm sát, đường phố Paris ngập tràn dòng người giơ cao bức thông điệp "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie) và "Không sợ hãi". Quảng trường Trafalgar của London, Cổng chào ở Berlin và những địa điểm công cộng tại Barcelona, Madrid, Lyon, Brussels, Nantes, Nice và Marseille cũng chật cứng người tụ tập giơ cao chiếc bút biểu thị sức mạnh lớn hơn nhiều gươm đao.
 
Thái An (Theo heraldsun, aljazeera)