- Phó Thủ tướng cho rằng công tác phòng chống tham nhũng năm nay cần có chuyển biến, đặc biệt ở 3 mặt: nâng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo không có vùng cấm trong PCTN.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến ngành thanh tra hôm nay (22/1).

Liên quan công tác phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng lưu ý kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCTN trung ương vừa qua. Đây là việc khó khăn, cần bền bỉ, kiên trì, nhưng năm nay phải có chuyển biến, đặc biệt ở ba mặt: nâng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN, và đảm bảo không có vùng cấm trong PCTN.
{keywords}

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong một lần đối thoại với dân về khiếu nại khiếu kiện đất đai tại HN

"Phòng chống tham nhũng ngay trong công tác thanh tra", ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành với việc tìm cán bộ giỏi, có tâm có tài trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo tại hội nghị của Phó Tổng Thanh tra CP Lê Tiến Hào, trong năm qua, đã có 40 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 33 người bị cảnh cáo, khiển trách, 7 người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 63 vụ, 77 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 13,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điểu tra tiếp tục xử lý 27 vụ, 25 đối tượng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 30 vụ, 31 người liên quan tham nhũng.

Tổng Thanh tra CP Huỳnh Phong Tranh nhận định thu hồi tiền và tài sản sau thanh tra năm 2014 là 69%, tăng so với 66% của năm trước. Đặc biệt là đất đai tăng đột biến, năm 2013 chỉ gần 20%, năm 2014 đạt trên 90%. Nhưng chúng tôi chưa thỏa mãn với kết quả này, mục tiêu của ngành là xử lý sau thanh tra đạt hiệu quả thật cao, 80-90%".

Nguyên nhân được lãnh đạo ngành phản ánh  là do chế tài xử lý sau thanh tra chưa đủ mạnh, trong thực hiện kết luận thanh tra chưa đồng thuận giữa đối tượng bị thanh tra, cơ quan có trách nhiệm và ngành thanh tra.

'Tự sửa chữa sơ hở'

Phó Thủ tướng ghi nhận vai trò của thanh tra trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế. 

{keywords}
PTT Nguyễn Xuân Phúc trong buổi ra mắt Ban tiếp dân TƯ ở HN năm 2014. Ảnh: LT

Đặc biệt là việc tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, không để tăng trong năm 2014. Trong đó, lãnh đạo ngành cùng với Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm VPCP, nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt Ban tiếp dân trung ương đã trực tiếp nói chuyện với dân để xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm. 

"Không ổn định thì không phát triển được. Bất cứ tỉnh, thành phố nào có khiếu kiện đông người xảy ra là ảnh hưởng ngay đến kinh tế và các nhà đầu tư" - Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vẫn còn một số kế hoạch thanh tra chưa sát thực tế, chất lượng kết luận chưa cao, kiến nghị thiếu thực tế và không khả thi, thời gian kéo dài, còn biểu hiện gây nhũng nhiễu, phiền hà cho đối tượng bị thanh tra, thanh tra chuyên ngành còn ngại va chạm.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công tác tiếp công dân chưa đồng đều, nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương còn ngại 'xới lại chuyện cũ', né tránh những vụ việc khiếu kiện đã kéo dài mấy chục năm, chưa dành thời gian đúng mức.

Về nhiệm vụ năm 2015, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo ngành phải dành thời gian tiếp dân, đối thoại với dân, Tổng Thanh tra CP trong năm nay phải về địa phương tiếp dân nhiều hơn để giải quyết, không phải nghe rồi chuyển, đặc biệt với những vụ việc kéo dài, đông người, với tinh thần không để điểm nóng xuất hiện ở các địa phương trọng điểm.

Phó Thủ tướng cũng nhắc ngành thanh tra "tự sửa chữa sơ hở" và hoàn chỉnh cơ chế chính sách.

Chung Hoàng