- "Lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 47% mà GDP nông nghiệp chỉ chiếm 18% nghèo là phải rồi. Làm công nghiệp dịch vụ rõ ràng giàu hơn. Nhưng để 'ly nông không ly hương', phải thu hút được doanh nghiệp về nông thôn, để tái cơ cấu lao động nông thôn" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý.
Ảnh: VGP. |
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới hôm nay (22/1), Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết đến hết năm 2014 có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tức đạt được cả 19 tiêu chí, chiếm 8,8%. Các xã còn lại đạt bình quân 10 tiêu chí, và không có xã nào "trắng tiêu chí".
Tuy nhiên, các tiêu chí "khó" đạt được nhất là về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường... Nhiều địa phương "kêu" những tiêu chí này chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là các tỉnh, khu vực khó khăn.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh cho hay, huy động người dân đóng góp làm đường rất khó, vì mật độ dân số ở những vùng sâu vùng xa không nhiều, nếu lấy mức đóng góp chia đầu hộ thì sẽ rất "nặng". Trong khi đó đại diện tỉnh Cà Mau cũng phản ánh yếu kém về hạ tầng giao thông, thủy lợi khó khắc phục vì nguyên vật liệu không có tại chỗ mà phải mua và chuyển từ rất xa về với giá thành cao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình một số tiêu chí quá "cứng", không phù hợp điều kiện địa phương.
"Tiêu chí nhà ở cứ phải mái tôn trong khi ở miền núi, người dân lợp mái bằng lá cọ còn bền gấp nhiều lần, lại mát và tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Hay đâu cứ phải mỗi thôn, xã đều có một nhà văn hóa, trong khi người dân lâu nay vẫn tận dụng đình, chùa làm nơi sinh hoạt cộng đồng", ông Ninh nói.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất phân loại lại các tiêu chí nông thôn mới thành hai nhóm với nguyên tắc không hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó có nhóm tiêu chí "vận dụng", phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Khó thu hút doanh nghiệp
Theo đánh giá tại hội nghị, một trong những cái khó hiện nay là khó huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ xây dựng nông thôn. Nguồn này chỉ đạt 3,7%, không đủ bù đắp khi mà vốn từ trái phiếu CP ở nhiều nơi lại ưu tiên phân bổ cho những xã "sắp về đích" thay vì hỗ trợ các xã thực nghèo.
Để đưa nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, đại diện thành phố Hà Nội cho rằng phải đầu tư lớn, có nhân lực được đào tạo bài bản, đảm bảo về chế biến và tiêu thụ.... Nhưng nông dân hiện khó vay vốn ngân hàng vì không đủ điều kiện thế chấp.
"Lao động ở nông thôn cũng chỉ còn người già, phụ nữ, trung niên, không thoát ly đi làm xa được mới ở nhà làm nông nghiệp", đại diện Hà Nội nêu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp dịch vụ trên địa bàn nông thôn.
"Lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 47% mà GDP nông nghiệp chỉ chiếm 18%, thì nghèo là phải rồi, làm công nghiệp dịch vụ rõ ràng giàu hơn. Nhưng để 'ly nông không ly hương', phải thu hút được doanh nghiệp về nông thôn, để tái cơ cấu lao động nông thôn", Thủ tướng chỉ ra.
"Ví dụ, tới đây gia nhập TPP, dệt may, da giày, vốn là ngành xuất khẩu quan trọng của ta, sẽ có thể tăng sản lượng và doanh thu gấp đôi, cần thêm hàng triệu lao động nữa. Các địa phương lo lao động ở nông thôn giờ lớn tuổi, khó đào tạo nghề nhưng nghề này đào tạo nhanh, chi phí rẻ.
Các tỉnh đừng để các nhà máy dệt may, da giày ở thành phố, thị xã nữa mà đưa về huyện đi, giải quyết việc làm cho nông dân, tiền chi cho đào tạo nghề nông thôn có thể chuyển thẳng cho doanh nghiệp".
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng ngân hàng chính sách xã hội chỉ cho các hộ nghèo và cận nghèo vay, còn các nhu cầu đầu tư khác phải thu hút được các ngân hàng thương mại vào cuộc, bằng cách NHNN đứng ra cho vay hộ.
- Chung Hoàng