- Quy hoạch báo chí và xã hội hóa báo chí nằm trong những chủ đề thảo luận trung tâm của hội nghị Truyền thông và Phát triển do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức tại Quảng Ninh hôm nay.
Đề dẫn cho chủ đề quan trọng này, Thứ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ ra: Việc xây dựng Quy hoạch hệ thống báo chí đã được Đảng yêu cầu Chính phủ thực hiện từ lâu. Luật Báo chí cũng khẳng định đây là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về báo chí.
Thứ tưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Ảnh: Dân Việt |
"Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình PTTH quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin", Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ ra.
Số lượng cơ quan báo chí nhiều và đa dạng về loại hình, đáp ứng được nhu cầu thông tin, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa khoa học dẫn đến lãng phí nguồn lực và tài chính, ông Trương Minh Tuấn nhận định.
Theo Thứ trưởng TT&TT, trong quy hoạch báo chí xác định hoạt động liên kết, hay xã hội hóa, là xu hướng chung. Hoạt động này gần đây diễn ra sôi động đặc biệt ở phát thanh truyền hình và báo điện tử, nhưng vẫn chưa có cơ sở để ban hành các văn bản pháp luật để quản lý, vẫn còn nhiều vi phạm.
Do đó, rất cần những phân tích kỹ cả tầm vĩ mô và vi mô, đánh giá lại thực trạng mô hình xã hội hoá báo chí nhằm đề xuất phương án tối ưu giúp cơ quan quản lý nhà nước có những chủ trương, chính sách tốt và tận dụng được nguồn lực xã hội.
Báo chí không còn độc quyền thông tin
Thảo luận chủ đề này, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ TT&TT nhận định bất chấp số lượng cơ quan báo chí nêu trên, với sự phát triển mạnh mẽ về thông tin trên mạng internet hiện nay, "báo chí không còn độc quyền về thông tin nữa".
"Hiện nay mọi người đều tham gia vào thông tin. Một vụ tai nạn giao thông, một người dân quay phim chụp ảnh đưa lên trang cá nhân là cả nước biết. Một sự kiện nhỏ xảy ra ở VN, thế giới đều có thể tham gia, ví dụ những tranh cãi xung quanh lễ hội chém lợn ở một làng", Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng dẫn ví dụ để nhận định "không nên từ chối thông tin mạng mà nên tận dụng nó".
"Thủ tướng cũng đã nói phải tận dụng mạng xã hội, bên cạnh báo chí chính thống, để đưa thông tin chính thống lên, vì các mạng ngày càng chi phối, có ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt đời sống. Người dân không còn phụ thuộc vào thông tin mà ta áp đặt đưa cho họ nữa vì họ có quyền lựa chọn", ông Lượng nói.
Trước môi trường thông tin ngổn ngang như vậy, nhiệm vụ của báo chí trên khắp thế giới hiện nay là chuẩn xác, để người dân tin tưởng rằng đọc báo là thông tin chính xác.
Trên nền đó, quy hoạch báo chí sẽ theo hướng: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là cụ thể hóa quyền tự do báo chí và ngôn luận mà Hiến pháp 2013 đã nêu.
Thứ hai, quy hoạch không chỉ là sắp xếp lại. Tất nhiên là phải sắp xếp lại vì hiện đang có rất nhiều cơ quan báo chí. Nhưng quan trọng là báo chí phải thông tin chính xác, hữu ích và lành mạnh.
"Điều đầu tiên đặt ra là phải đúng tôn chỉ mục đích, chứ không phải báo tỉnh này, ngành này nói chuyện ngành khác, tỉnh khác mà chỉ nói chuyện chưa tốt. Đồng thời, thông tin báo chí góp phần tích cực xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc, thông tin trung thực phù hợp với lợi ích của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập, nếu không cẩn thận thông tin có thể cản trợ sự phát triển", ông Hoàng Hữu Lượng nhấn mạnh đến yêu cầu phải xây dựng văn hóa và đạo đức báo chí.
Về xã hội hóa, Cục trưởng Báo chí chỉ rõ những lĩnh vực có thể liên kết: Mọi thành phần có thể tham gia đầu tư cho việc in ấn, phát hành, truyền dẫn, giúp tiết kiệm về nguồn lực.
Xã hội hóa về nội dung cũng không bó buộc, đã thực hiện từ lâu, sản phẩm báo chí không chỉ của nhà báo mà có sự tham gia của mọi người, đặc biệt ở các tạp chí, quan trọng là người cung cấp chịu trách nhiệm về thông tin và cơ quan báo chí thẩm định nguồn tin và thông tin trước khi đăng phát.
"Liên kết sản xuất chương trình phát thanh truyền hình chỉ ở mảng giải trí, còn tin tức thời sự chính trị thì dứt khoát không. Nhưng ngay ở mảng giải trí cũng có sai phạm khi xã hội hóa, vì không hữu ích và lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, là những tiếng cười gây hại cho cá nhân, tổ chức, vô bổ, không có lợi gì cho dân dù đài, báo có lợi về mặt kinh tế", ông Hoàng Hữu Lượng nói.
Qua các phân tích trên, Cục trưởng Báo chí nhắn nhủ: Đây là chủ trương Trung ương đã bàn cụ thể, là việc rất hệ trọng của quốc gia, quy hoạch là để báo chí phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, hữu ích hơn.
"Đừng vì báo mình có thể bị sáp nhập mà phản ứng, phải lấy cái đại cục làm tối thượng, đảm bảo lợi ích của đất nước", ông Lượng nói.
Ông Vũ Văn Phúc, TBT Tạp chí Cộng sản: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng, báo chí cần định hướng dư luận xã hội bằng những thông tin chính thống, không nên theo hướng khó thì cấm. Khi thông tin chính thống chính xác, khách quan, trung thực, sẽ thuyết phục được người dân rằng những thông tin không chính thống là không chính xác. Ủng hộ tập trung xây dựng những tờ báo chính thống, chủ lực, đa phương tiện, để lấn át những trang mạng xã hội không chính thống, để người dân tin rằng các trang đó không đáng tin cậy. Ông Phạm Việt Tiến, Phó TGĐ Đài Truyền hình VN: Xã hội hóa là cần thiết khi ngân sách, doanh thu bị ảnh hưởng. Cái được là tận dụng được nguồn lực xã hội về vật chất, kinh tế, chất xám, tính sáng tạo. Nhưng hạn chế là sự mâu thuẫn giữa tư tưởng chính trị và lợi ích kinh tế, biểu hiện ở xu thương mại hóa. Thời gian gần đây truyền thông dùng nhiều từ ngữ nặng nề để nói về các sai phạm trong các chương trình liên kết xã hội hóa như "cố tình gây scandal, câu khách, ấu trĩ"... VTV khẳng định không bao giờ dung túng cho những hàng động đó, mà thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giám sát thẩm định các chương trình này. |
Chung Hoàng