- Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định mục tiêu đưa thành phố phát triển trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại tầm cỡ ở Đông Nam Á là mục tiêu từng được đề ra tại Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ 3 năm 1983. Dẫn lại mục tiêu này trong bài phát biểu đề dẫn tại hội thảo khoa học "TP.HCM - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" sáng 17/3, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định tinh thần "đi trước và về đích trước" trong 30 năm đổi mới của thành phố lớn nhất cả nước này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.
Ảnh: SGGP |
Trong đó, 10 năm đầu sau giải phóng gian nan, thử thách rất khắc nghiệt đối với TP.HCM. Ông Lê Thanh Hải nhắc lại tinh thần đổi mới mà cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ.
"Với truyền thống năng động, sáng tạo, không chịu bó tay trước khó khăn, trói buộc của cơ chế không phù hợp, thành phố thực hiện nhiều mô hình thí điểm tháo gỡ sản xuất, có cơ chế 'tự sản, tự tiêu' cho doanh nghiệp quốc doanh. Từ thực tiễn, thành phố đã góp phần quan trọng vào nội dung đường lối Đổi mới của Đại hội 6 của Đảng".
Là đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bí thư TP.HCM cho hay, thành phố nỗ lực phấn đấu xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng vẫn còn nhiều điều trăn trở, trước những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Như năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; vấn đề quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; tình trạng ngập nước; ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông; chất lượng nguồn nhân lực; quá tải ở một số bệnh viện; an toàn vệ sinh thực phẩm; thủ tục hành chính,…
Mặc dù còn có những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm nhưng ông khẳng định, Đảng bộ TP.HCM đã "biết lắng nghe, tự chấn chỉnh, khắc phục".
"Đảng bộ thành phố, trước hết là Thành ủy và các cấp ủy Đảng thành tâm cảm ơn sự độ lượng của nhân dân về những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; phải thường xuyên tự soi rọi lại mình, phấn đấu khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm; kiên trì thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI về xây dựng Đảng đạt kết quả rõ rệt; ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đề cao sự trung thực, tinh thần trách nhiệm; gắn bó máu thịt với nhân dân; đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước...”
Bí thư TP.HCM nêu những kinh nghiệm cần được rút ra trong nỗ lực khắc phục hạn chế, thiếu sót, trong đó nhấn mạnh việc không ngừng đổi mới tư duy, tích cực góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bằng việc thực hiện hoặc đề xuất thí điểm cách làm mới, mô hình mới.
Lợi thế "cá tính" Nam Bộ
Theo PGS.TS Võ Văn Sen, sự trẻ trung, đa dạng, phóng khoáng, năng động, dễ thích nghi, cởi mở... là những gì dễ nhận thấy trong tính cách của người dân Nam Bộ nói chung, người Sài Gòn - TP.HCM nói chung. Tính cách đó phần nào cũng được thể hiện rõ nét trong cách thức làm kinh tế của người dân thành phố, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá... "Cá tính" đó đối với TP.HCM ngày nay nếu biết phát huy đúng cách, sẽ là một động lực lớn trong phát triển của thành phố.
Ông cho rằng, sau 40 năm, sự phát triển và chuyển mình của "thành phố động lực" Hồ Chí Minh sẽ có tác động lớn đến cả nước và khu vực và tất nhiên là cả theo chiều ngược lại. Trong bối cảnh đó, vấn đề liên kết khu vực lại được đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý kinh tế.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, cho rằng, lợi thế nổi bật và quan trọng nhất của TP.HCM là yếu tố "địa kinh tế", kế đến là nguồn nhân lực với gần 10 triệu người, chiếm 1/10 lao động của cả nước. Trong đó, đáng kể là nơi thu hút được nhiều tài năng và tinh hoa của nhiều lĩnh vực, của nhiều vùng.
Tuy nhiên, ông lưu ý, lợi thế và thách thức đều có hai mặt và không thể tự biến thành của cải vật chất. Tất cả tùy thuộc vào yếu tố con người, trong đó năng lực của cơ quan lãnh đạo, quản lý và sức lao động của đội ngũ công nhân đóng vai trò quyết định.
Thành tựu của TP.HCM về kinh tế xã hội là rất to lớn nhưng nếu so với tiềm năng, lợi thế và khoảng thời gian gần nửa thế kỷ thì đó chưa phải là những kết quả tương xứng, điều đó chứng tỏ những thử thách mang tính chủ quan không nhỏ và không dễ khắc phục.
Xuân Linh