- Tại lễ công bố Sách xanh 2011 hôm nay (26/5), Trưởng ban kinh tế và thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Jean-Jacques Bouflet nhận định kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng cần Chính phủ quyết định rõ ràng chính sách ủng hộ kinh doanh và tự do hóa thương mại.
Sách xanh 2011, ấn phẩm do các Tham tán thương mại EU tại Hà Nội thực hiện và công bố hàng năm, nhận định kinh tế Việt Nam phát triển khá tốt trong năm 2010 bất chấp những khó khăn toàn cầu và trong nước. "Chính phủ Việt Nam xứng đáng nhận được lời khen cho những hành động quyết đoán nhằm giảm thiếu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009-2010", ông Bouflet nói.
"Tuy nhiên, việc theo đuổi một chương trình nghị sự thuần túy ủng hộ tăng trưởng cuối năm 2010 bất chấp những dấu hiệu tăng trưởng nóng đã có tác động tiêu cực và đáng kể tới kinh tế vĩ mô", ông Bouflet cũng nhận định.
Đó là những yếu kém của nền kinh tế thể hiện qua mức lạm phát hai con số, dự trữ ngoại hối thu hẹp, lòng tin của công chúng vào đồng nội tệ giảm, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại tăng.
|
Ông Jean-Jacques Bouflet (phải): Thâm hụt thương mại lớn với một nước duy nhất chỉ là vấn đề song phương, nó không ngăn cản Việt Nam mở rộng thương mại với các đối tác khác. Ảnh: Thủy Chung |
Sách xanh 2011 cũng chỉ ra
sự trỗi dậy của các biện pháp bảo hộ áp dụng trên diện rộng mặc dù thâm hụt
thương mại chủ yếu mang tính song phương.
Khoảng 90% trong 14,2 tỷ USD thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2010 xuất phát từ Trung Quốc, nhưng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp dụng gần đây - ông Bouflet dẫn chứng Thông báo 197 của Bộ Công thương về việc nhập khẩu rượu, mỹ phẩm và điện thoại di động - lại nhắm tới cả các đối tác đem lại thặng dư thương mại cho Việt Nam, trong đó có EU với 4,9 tỷ euro thặng dự thương mại song phương năm 2010.
Nhấn mạnh đến yêu cầu tự do hóa thương mại như một biện pháp khắc phục thâm hụt thương mại, ông Bouflet phân tích: "Thâm hụt thương mại lớn với một nước duy nhất chỉ là vấn đề song phương, nó không ngăn cản Việt Nam mở rộng thương mại với các đối tác khác. Với EU, Việt Nam càng đẩy mạnh giao thương thì thặng dư thương mại càng lớn, càng có lợi cho Việt Nam". Ông cũng đề cập đến tiềm năng ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, ông Matthias Dühn, cũng cảnh báo những biện pháp bảo hộ có thể làm tăng tính không chắc chắn của môi trường kinh doanh, khiến các doanh nghiệp châu Âu giảm bớt lạc quan. "Các doanh nhân châu Ấu không đánh giá cao các biện pháp, chính sách mang tính cứng nhắc, tạm thời và ngắn hạn, họ muốn nhìn thấy những biện pháp, chính sách bền vững, chắc chắn và dự đoán được", ông Dühn phân tích.
Tuy vậy, đại diện thương mại EU khẳng định khối này vẫn sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực thương mại, kinh tế, đầu tư và chính trị. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU năm 2010 tăng trưởng 37,9%, đạt mức trên 9 tỷ euro. EU là thị trường lớn thứ hai, sau Mỹ, cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, và là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam sau ASEAN.
Bày tỏ tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, Trưởng ban kinh tế và thương mại của EU tại Việt Nam Jean-Jacques Bouflet nhận định: "Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã vươn tới một giai đoạn quan trọng, đòi hỏi Chính phủ quyết định một cách rõ ràng việc triển khai các chính sách ủng hộ kinh doanh nhằm tăng cường lòng tin và theo đuổi các nỗ lực tự do hóa thương mại hướng tới việc duy trì bền vững động lực phát triển".
Chung Hoàng