- Quan hệ Việt - Trung đang có những bước tiến làm ấm tình hình mà chuyến thăm TQ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là nhận định của TS Vũ Cao Phan (Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, ĐH Bình Dương).

Ông có đánh giá như thế nào chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới TQ? Theo ông trong bối cảnh quan hệ hai nước còn tồn tại nhiều vấn đề như hiện tại, chuyến thăm có ý nghĩa ra sao?

Có thể nói trong năm 2014, quan hệ Việt - Trung có những vấn đề nổi cộm, đặc biệt là tình hình Biển Đông với vụ TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, xây dựng, mở rộng một loạt các đảo tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên quan hệ kinh tế VN - TQ vẫn phát triển khá tốt. Về phía VN, quan hệ xuất nhập khẩu vẫn phát triển hai con số (xuất khẩu tăng gần 13%, nhập khẩu tăng hơn 18%) so với 2013...

{keywords}
TS Vũ Cao Phan
Đánh giá về điều này, báo Sankei Shimbun (Nhật Bản) nhận xét quan hệ tổng quát VN-TQ năm 2014 là “kinh tế nóng, chính trị lạnh”. Người ta từng cho rằng chuỗi cung ứng từ TQ sang VN sẽ bị đứt đoạn trong năm 2014. Tuy nhiên mặc dù có những sự kiện ở Biển Đông rồi các vụ việc ở Bình Dương, Đồng Nai nhưng quan hệ kinh tế hai nước không có biến động lớn. Sankei Shimbun cho rằng VN đã có sự khôn ngoan, tỉnh táo và đã kiểm soát được tình hình.

Từ cuối 2014 và đầu 2015 đã có những dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt - Trung có những bước cải thiện thể hiện qua chuyến thăm VN của ông Du Chính Thanh, UVTV Bộ Chính trị đảng CSTQ, Chủ tịch Chính hiệp và sắp tới là chuyến thăm thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến TQ.

Tôi cho rằng các hoạt động như vậy đang làm cho quan hệ Việt - Trung ấm lên và tôi nghĩ điều đó là tốt.

Ông có mong đợi về một kết quả cụ thể nào đó mà hai bên sẽ đạt được trong chuyến thăm TQ lần này của Tổng bí thư hay không?

Phải nói rằng trong chính sách ngoại giao “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ” thì trong 3 ưu tiên của VN đặt ra, TQ đều có các yếu tố ưu tiên đó.

TQ là nước láng giềng, nước lớn và cũng là nước có quan hệ truyền thống với VN. Có thể nêu ra một điều tuy đã khá cũ nhưng nhắc lại cũng không thừa. Đó là trong mối quan hệ giữa VN với các nước thì mối quan hệ với TQ là quan trọng nhất, cần thiết nhất và chúng ta phải chú ý nhiều nhất.

Tôi hy vọng chuyến đi của Tổng bí thư sẽ đạt được điểm đến nào đó cho dù đó có thể chưa phải là một điểm đột phá như chúng ta kỳ vọng.

Ông có thể phân tích kỹ hơn?

Sở dĩ nói thế vì quan hệ VN - TQ là quan hệ “đặc biệt”. Đặc biệt thể hiện ở việc hai đảng, hai chính phủ luôn luôn tìm ra những phương thức làm thế nào để quan hệ được thúc đẩy ngay cả những lúc khó khăn nhất.

Trước đó, khi quan hệ được bình thường hóa trở lại, hai bên có thống nhất phương châm 16 chữ nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999 (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai). Đầu thế kỉ 21, TQ đưa ra thêm “bốn tốt” (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).

Tôi nghĩ những cái đó cũng có yếu tố tích cực của nó. Cần hiểu phương châm ở đây không đơn thuần là phương châm “suông” mà là có tính chất chỉ đạo. Trong những cuộc trao đổi về quan hệ song phương những năm qua thì chuyện “16 chữ, 4 tốt” luôn được hai bên nhắc đến.

Nhưng nếu hiểu thực chất đó là phương châm chỉ đạo thì hai bên cần phải có kiểm điểm, xem xét xem liệu việc thực hiện phương châm “16 chữ, 4 tốt” ấy có vấn đề gì không. Ví dụ như nếu xác định quan hệ “bạn bè tốt, đồng chí tốt” thì những sự kiện xảy ra mới đây như vụ giàn khoan Hải Dương 981 có đáp ứng được phương châm ấy không? Xác định nguyên nhân từ đâu?

Theo tôi cần đổi mới cách đề cập “16 chữ, 4 tốt”. Không biết xuất phát từ đâu, có giai đoạn chúng ta đã gọi phương châm “16 chữ” là 16 chữ “vàng”. Có lần một cán bộ ngoại giao quan trọng của TQ từng nói với ta nguyên văn “phương châm 16 chữ mà các đồng chí VN gọi là vàng ấy”... Tức là TQ không nêu ra khái niệm đó. Tôi được biết Bộ Ngoại giao đã điều chỉnh chuyện này rồi nhưng vẫn còn đâu đó vẫn có người nói như vậy.

Tôi muốn nhắc lại rằng giữa ta và TQ phải có sự kiểm điểm, xem xét lại phương châm mang tính chủ đạo như thế liệu có thực hiện được không. Còn nếu chỉ nói “suông” với nhau như vậy thì rõ ràng những thứ đó chỉ có tính chất hình thức và không có tác dụng. Cho nên nếu trong chuyến đi này nếu lãnh đạo cấp cao hai nước đưa ra xem xét, kiểm điểm việc thực hiện phương châm “16 chữ, 4 tốt” đã thực hiện đến đâu theo tôi cũng đã là một bước tiến mới.

{keywords}

Giao lưu thanh niên Việt - Trung. Ảnh: Thanh Niên

Theo ông những khúc mắc trong quan hệ Việt - Trung có phương hướng nào để tháo gỡ thực chất hay không?

Những năm trở lại đây quan hệ Việt - Trung nóng lên do chuyện Biển Đông nhưng phải nhìn câu chuyện ở góc độ rộng hơn. Phía TQ có ý kiến cho rằng quan hệ Việt - Trung có 3 vấn đề thì đã giải quyết được 2 (phân định biên giới trên bộ, phân định cửa vịnh Bắc Bộ) và giờ chỉ còn lại duy nhất vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên cách đánh giá đó không chính xác. Phải nhìn vào bản chất vấn đề chứ không thể để con số đơn thuần gây ấn tượng sai lệch. Nhìn như vậy là giảm nhẹ tính chất quan trọng của vấn đề Biển Đông trong khi đó là vấn đề nóng về thực chất.

Ngoài chuyện Biển Đông là vấn đề chủ quyền, lãnh thổ thì quan hệ VN - TQ còn là vấn đề chính trị. Vấn đề chính trị ở đây xuất phát từ việc VN có quan hệ với tất cả các nước trong đó có những đối tác trước đây từng là kẻ thù. Bên cạnh đó là vị thế địa chính trị của VN... Tất cả những điều này là các yếu tố chính trị cùng với yếu tố chủ quyền, lãnh thổ buộc chúng ta phải có những tính toán lâu dài để giải quyết, tháo gỡ từng bước.

Theo quan điểm của tôi, cho dù thế nào thì VN và TQ cũng phải đi vào nói chuyện đàm phán một cách thực chất. Vấn đề Biển Đông mang tính đa phương nhưng có những vấn đề hoàn toàn song phương như giải quyết tranh chấp Hoàng Sa chẳng hạn. Với bản lĩnh của mình và trong điều kiện có thể chấp nhận được, VN hoàn toàn có thể đàm phán song phương về Hoàng Sa vì thực chất đó là tranh chấp. Thậm chí kể cả trong đa phương thì cũng phải đưa vấn đề này vào. Có thể chính trên bàn thương lượng sẽ mở ra cơ hội cho cả TQ và VN. Trên bàn thương lượng người ta có thể thấu hiểu nhau, thậm chí thông cảm nhau và vấn đề có thể giải quyết được dễ dàng hơn.

Trường Sơn

Biển Đông trong chuyến thăm TQ của Tổng bí thư