- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định như vậy khi bộ ngành nào cũng "kêu" là yêu cầu về hồ sơ thi tuyển công chức, viên chức hiện nay quy định còn quá nặng.

Khi các bộ ngành cho ý kiến về công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ hôm nay (15/4), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tinh thần thẳng thắn xem "Bộ Nội vụ có thủ tục nào cửa quyền, hách dịch, không minh bạch, nhất là lĩnh vực liên quan đến con người, tổ chức".

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải đi giải quyết cụ thể quá nhiều chính là do các bộ ngành đề ra nhiều thủ tục quá đấy thôi. Ảnh: ANTT

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu: Năm 2013, Bộ Nội vụ tổ chức thi trên máy tính, 359 người chỉ trúng 52 người, sau đó Cục Thuế thi cả mấy nghìn người chỉ trúng vài trăm, tức là tỉ lệ đỗ khoảng 1/10.

"Thế mà ai cũng phải nộp cả một bộ hồ sơ dày, giấy tờ đều phải công chứng, xác nhận, vô cùng tốn kém. Nên chuyển hướng là yêu cầu hậu kiểm, sau khi trúng tuyển mới phải nộp hồ sơ đầy đủ để tiết kiệm chi phí cho người đi thi", ông Ngọc nói.

Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai kể luôn chuyện thi tuyển ngành Thuế: Cả nước 33 ngàn hồ sơ mà chỉ lấy 2 nghìn, riêng Hà Nội hơn 7 nghìn hồ sơ chỉ lấy khoảng 200, Bộ chỉ đạo tiếp nhận hết hồ sơ nên khối lượng công việc là rất lớn, rà soát chỉ trong 1 tuần căng hết cả ra.

"Chúng tôi đề nghị cải cách theo các hướng: rút ngắn thời gian thi, tổ chức khách quan không thể can thiệp được, và giảm chi phí xã hội"

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhận định: "Hồ sơ nửa ký nộp vào ai xem đâu. Nhận cả tấn rồi có trả lại hồ sơ đâu, như thi đại học mà đâu có bao nhiêu người đỗ, rất lãng phí".

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan cũng nói: Nếu thủ tục đối với công chức, viên chức quy định thông thoáng thì công chức mới có thời gian để phục vụ dân, nếu không họ sẽ chỉ lo cho bản thân, hết thi tuyển lại đến nâng ngạch, bổ nhiệm...

Trao đổi lại các ý kiến này, Thứ trưởng BNội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Bộ đang nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển dụng theo hướng thi tập trung thông qua phần mềm máy tính đối với tất cả những người muốn làm công chức. Những người đạt yêu cầu sẽ được cấp một chứng chỉ công nhận đủ điều kiện trở thành công chức. Việc tổ chức thi trên máy tính sẽ được tổ chức ở tất cả bộ, ngành, địa phương thông qua một trung tâm quản lý thống nhất. Các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng có thể tổ chức phỏng vấn chứ không cần tổ chức thi tuyển nữa.

"Làm như vậy sẽ phát huy nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng, củng cố niềm tin của người dân. Người đi thi chỉ cần ghi một bản cam kết là đủ điều kiện tiêu chuẩn, chứ không phải nộp hồ sơ dự thi như hiện nay nữa", ông Trần Anh Tuấn nói.

"Nhưng thế thì phải có chế tài: nếu thực tế sau này năng lực không đúng như cam kết thì phải kiên quyết hủy bkết quả trúng tuyển. Lãnh đạo các cơ quan tổ chức thi tuyển có dám quyết không, bởi hiện đơn thư khiếu nại liên quan đến thi tuyển công chức đang rất nhiều".

Chỉ ra đây là mặt trái của vấn đề, Thứ trưởng cho rằng chính các cơ quan nhà nước cũng phải quyết liệt vượt qua bản thân mình.

Bộ Nội vụ sẵng sàng ủy quyền

Một số vấn đề vướng mắc khác liên quan đến công chức, viên chức cũng được các bộ ngành nêu lên.

Đại diện Bộ Văn hóa thấy việc để được bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp vụ trở lên, cán bộ phải trải qua 2 năm học tập trung cao cấp chính trị là không hợp lý vì họ sẽ không làm được công việc chuyên môn mà họ cần có nhiều kinh nghiệm để đảm nhận.

Lãnh đạo một số bộ cũng đề nghị việc tổ chức thi nâng ngạch chuyên viên chính thì Bộ Nội vụ nên ủy quyền cho bộ ngành, địa phương thực hiện.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền nhưng "phân cấp rồi, thi bao nhiêu lại đỗ bấy nhiêu, Bộ Nội vụ lại phải đi kiểm tra chất lượng thi tuyển".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhận định tình trạng ôm đồm, không chịu phân cấp ở tất cả các bộ ngành.

"Các bộ nên tập trung làm chính sách, các đề án lớn, chứ không phải đi giải quyết các sự vụ. Phải đi giải quyết cụ thể quá nhiều chính là do các bộ ngành đề ra nhiều thủ tục quá đấy thôi", Phó Thủ tướng nói.

Chung Hoàng