Các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ trong hôm nay sau khi Mỹ và các đồng minh chính ở châu Á thúc giục Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng nhưng Bắc Kinh vẫn không “nao núng”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc hội đàm với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, tuyên bố họ cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về “các vụ tấn công khiêu khích từ Triều Tiên” và mong muốn Trung Quốc có trách nhiệm hành động.
Ảnh Reuters.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã phản ứng thờ ơ với đề xuất của Trung Quốc trong việc triệu tập họp khẩn cấp với sáu bên tham gia đàm phán hạt nhân.
"Tôi nghĩ rằng có rất ít cơ hội cho những thỏa thuận thực sự”, Brian Myers, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongseo cho biết.
Theo giới phân tích, Bình Nhưỡng có thể tiến hành nhiều vụ khiêu khích hơn sau vụ nã pháo chết người vào một hòn đảo của Hàn Quốc tuần trước cũng như việc tiết lộ các tiến bộ hạt nhân, bởi hai lý do: lát đường cho chuyện kế nhiệm cương vị lãnh đạo đất nước, và giành được sự nhượng bộ trong đàm phán quốc tế.
"Triều Tiên sẽ không sớm thay đổi thái độ, Mỹ, Hàn Quốc và thế giới sẽ phải sống với thực tế ấy”, Andrew Scobell, một chuyên gia Triều Tiên tại Trường Lục quân Mỹ nhấn mạnh.
Còn theo giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, Chu Phong: "Vấn đề là Bắc Kinh bị dồn vào thế bí. Làm thế nào để cân bằng giữa việc duy trì quan hệ với Bình Nhưỡng và duy trì hợp tác với Washington. Giờ đây, Bắc Kinh có thể có nhiều động cơ hơn để thức tỉnh với một thực tế mới".
Trong khi Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật, thì Tổng thống Mỹ Obama đã điều quan chức quân sự hàng đầu của mình tới Seoul.
Như báo chí địa phương đưa tin, chuyến thăm của Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ xuất hiện khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ có thể sớm tiến hành một cuộc tập trận mới. Tuần trước, Washington đã cử tàu sân bay hạt nhân tới tham gia tập trận hải quân ở bờ biển phía tây Hàn Quốc.
Sau cuộc hội đàm ba bên tại Washington, bà Clinton khẳng định, Bắc Kinh “có vai trò đặc biệt trong việc định hình hành xử của Triều Tiên”.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc không được mời tới cuộc gặp Washington và Bình Nhưỡng có rất ít dấu hiệu nhượng bộ, cuộc gặp ba bên không có nhiều tiến triển.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, bà để ngỏ khả năng nối lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên, nhưng đầu tiên, Bình Nhưỡng phải có các bước chấm dứt sự gây hấn và tuân thủ cam kết năm 2005 trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Hôm nay (7/12), báo JoongAng Ilbo đưa tin, Triều Tiên đã phát triển một loại tàu ngầm loại nhỏ mới gắn ống phóng ngư lôi. Các hình ảnh vệ tinh của một căn cứ hải quân tại thành phố Nampo, phía tây nam Triều Tiên mà báo JoongAng Ilbo đưa ra cho thấy, dường như đó là loại tàu ngầm dài 17 mét gắn thiết bị hình ống ở phần đầu.
"Chúng tôi cho rằng đó là ống phóng ngư lôi”, báo dẫn lời một nguồn tin tình báo Hàn Quốc như vậy. Theo báo này, loại tàu ngầm nhỏ Daedong-B di chuyển nhanh hơn các tàu ngầm lớn hơn và khó bị hệ thống rađa quân sự phát hiện.
Hàn Quốc đã cáo buộc một ngư lôi Triều Tiên phóng từ tàu ngầm lớp Yono 29 mét làm chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Bình Nhưỡng phủ nhận việc này.
Thái An (Theo AP, Reuters, JoongAng Ilbo )