- Người dân quản lý sẽ tốt hơn vì đó là tiền của họ, đồng tiền đi liền khúc ruột - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về việc huy động xã hội hóa trong đầu tư các công trình hạ tầng.

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 diễn ra hôm nay, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những khâu đột phá chiến lược.

“Nếu không có hạ tầng thì chúng ta khó đạt tăng trưởng 6% như vừa rồi. Chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa chủ trương này đồng thời phải chắt chiu, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để làm tốt hơn nữa, nhanh hơn nữa”, Thủ tướng nói.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Của tư nhân thì sẽ không có tiêu cực, còn của Nhà nước thì dễ phát sinh tiêu cực. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế liên qua đến thể chế, cơ chế, chính sách; rà soát, tiếp tục cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giải hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp song vẫn đảo bảo quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực; huy động vốn ngoài xã hội, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn huy động được, trước hết là vốn nhà nước, đảm bảo cho chất lượng công trình tốt hơn, không để xảy ra tiêu cực…

Cùng với đó là khắc phục cho được những hạn chế trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật quy hoạch, đảm bảo chất lượng quy hoạch.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta quản lý bằng quy hoạch, cái nào trái quy hoạch thì không cho, nhưng nếu quy hoạch 'trên trời' thì không được, hoặc nếu quy hoạch không sát thực thế thì tính khả thi sẽ không cao. Tất cả các lĩnh vực liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng đều phải rà soát lại để quy hoạch cho sát, cho chất lượng”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ bên cạnh vốn ngân sách, phải huy động mạnh mẽ hơn nữa vốn đầu tư từ xã hội; tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách cho người dân, cho xã hội, cho nước ngoài đầu tư vào hạ tầng, trong đó có đầu tư vào các dự án mới và các công trình hiện có để Nhà nước lấy vốn về đầu tư cho các công trình khác.

“Bây giờ dân làm thì không mất đi đâu cả, để người dân quản lý sẽ có lợi nhiều mặt, một mặt nguồn vốn ta bán ta sẽ thu lại để làm làm cái khác; mặt khác người dân sẽ quản lý tốt hơn vì đó là tiền của họ, đồng tiền đi liền khúc ruột; rồi chúng ta còn giảm được biên chế và nhiều thứ khác nữa, của tư nhân thì sẽ không có tiêu cực, còn của Nhà nước thì dễ phát sinh tiêu cực”, Thủ tướng nêu rõ.

{keywords}
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh (ngồi bên phải Thủ tướng) cũng cho rằng để tư nhân khai thác, quản lý sẽ hiệu quả hơn

Trước đó, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã kiến nghị thời gian tới không chỉ huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn cần mạnh dạn bán, cho thuê các công trình mà nhà nước đã đầu tư và đang quản lý: “Đây là hướng mở cho 5 năm tới. Chắc chắn để tư nhân khai thác và quản lý sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng tình rằng người dân đã và đang dần chấp nhận xã hội hóa, chấp nhận trả chi phí cao hơn cho chất lượng hạ tầng và dịch vụ tốt hơn: “Chưa một giai đoạn nào mà vốn xã hội, vốn tư nhân đưa vào nền kinh tế lớn như giai đoạn này. Nếu không xã hội hóa thì sẽ muôn đời dàn trải, muôn đời sức ép đè lên đầu tư công”.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương quản lý thật chặt chẽ vốn đầu tư công; coi việc thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư cho kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ trọng tâm và phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong hoàn thiện thể chế, cân đối, tính toán, huy động các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng.

Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm tính toán nguồn vốn đầu tư công từ 3 nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu CP và ODA trong 5 năm tới để làm kế hoạch trung hạn, nhấn mạnh đây là việc phải chủ động làm ngay, đồng thời các bộ, ngành, địa phương cũng phải rà soát đưa ra được các dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo hình thực hợp tác công-tư, kêu gọi xã hội hóa.

PV