Hải quân các nước vùng duyên hải gồm Singapore, Malaysia và Indonesia đang thảo luận việc mở rộng tuần tra chung ở Biển Đông - Chuẩn đô đốc hải quân Singapore Lai Chung Han cho biết.

{keywords}
Tàu chở dầu đi qua Eo biển Singapore. Ảnh: Reuters  
Động thái này trước tiên là để đối phó với nạn hải tặc. Tuy nhiên, việc mở rộng các chuyến tuần tra - từng thành công trong việc hạn chế hoạt động của cướp biển ở Eo biển Malacca - sẽ khó khăn do tranh chấp chủ quyền trong vùng biển. Báo Today Online của Singapore hôm nay dẫn lời ông Lai cho biết.

“Chúng tôi hy vọng việc này diễn ra càng sớm càng tốt”, ông Lai nói với báo chí tại Căn cứ hải quân Changi. “Ở đây có những quan ngại về việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Chúng tôi thực sự không muốn hợp nhất các vấn đề. Chúng tôi rất tập trung vào việc đối phó với cướp biển và không ai trong chúng tôi có lợi nếu để cho tình hình tồi tệ hơn”.

Chuẩn đô đốc Singapore còn bày tỏ lo ngại về khả năng khủng bố và hải tặc kết hợp với nhau cho dù động cơ khác nhau. Ông chỉ ra rằng, tổ chức khủng bố Al Qaeda gần đây đã kêu gọi các tín đồ thực hiện những vụ tấn công nhằm vào lợi ích kinh tế của phương Tây trên các tuyến đường biển chiến lược, trong đó có Eo biển Malacca.

Ông Lai nhấn mạnh, sẽ là thách thức để phân biệt giữa một vụ tấn công của hải tặc và một vụ khủng bố trên biển. Tuy nhiên, Trung tâm đối phó khủng hoảng hàng hải Singapore đang giám sát tình hình. Theo ông, khủng bố có thể chiếm giữ một tàu chở dầu và biến nó thành quả bom nổi trên biển. “Tôi nghĩ cần phải theo dõi chặt chẽ, làm việc chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển”.

Ông cũng đề cập tới thực tế gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực. “Trong 10 năm sẽ có hơn 100 tàu ngầm diesel hoạt động ở Biển Đông. Biển Đông là vùng biển nhỏ nếu so sánh với các đại dương lớn hơn, cũng là vùng nước nông. Nên nếu không kiểm soát, thì sự cố dưới nước xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Trước đây, để kiểm soát không gian dưới nước, Singapore đã ký các thỏa thuận song phương với láng giềng giải quyết tai nạn tàu ngầm. Ví dụ, đảo quốc và Indonesia đã ký thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm năm 2012. Theo đó, hai nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong tình huống thảm họa tàu ngầm.

Thái An (theo Todayonline)