Được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ
thống định vị toàn cầu, giàn khoan Trung Quốc mang tên CNOOC 981 có thể bắt đầu
phục vụ hoạt động khoan thăm dò ở Biển Đông vào tháng 7.
Tờ Japan Times hôm qua (1/6) đã đăng tải bài viết của Michael Richardson - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore về chuyện giàn khoan “khủng” của Trung Quốc.
Trung Quốc gần đây đã hoàn thành một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000m. Giàn khoan được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này.
Đây có thể là dấu hiệu quan trọng khi kinh tế và nỗ lực hiện đại hóa quân sự đủ làm trụ cột cho những tuyên bố của Bắc Kinh nhằm kiểm soát hầu hết các đảo, mặt nước và đáy biển tại trung tâm hàng hải của Đông Nam Á.
Mở rộng địa hạt khai thác thăm dò dầu khí
Được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu, giàn khoan mang tên CNOOC 981 có thể chịu được những rung chấn do bão lớn gây ra. CNOOC tuyên bố có kể hoạch sử dụng giàn khoan để bắt đầu cho hoạt động khoan thăm dò ở Biển Đông vào tháng 7.
Ảnh: Reuters
Chính khu vực này (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) là nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bốn quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông đã được nhấn mạnh thêm lần nữa vào cuối tuần trước, khi Bắc Kinh cố tình bác bỏ phản đối của Việt Nam về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Việt Nam cho hay, ba tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp một tàu thăm thăm dò địa chấn của Petro Việt Nam khi tàu đang hoạt động ở ngoài khơi bờ biển miền trung Việt Nam.
Việt Nam khẳng định, vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga, “đây hoàn toàn không phải khu vực tranh chấp, càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du ra sức bênh vực hành động của tàu hải giám: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”.
Trung Quốc tuyên bố kiểm soát khoảng 80% Biển Đông. Tuy nhiên, cho tới nay, họ giới hạn trong việc đơn phương tìm kiếm dầu khí ở khu vực phía bắc vùng biển.
Thỏa cơn khát dầu
Tuy nhiên, sức mạnh quân sự Trung Quốc đang trỗi dậy và nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế ngày một lớn. Vì vậy, Trung Quốc trở nên quả quyết hơn trong việc bảo vệ các hòn đảo và biên giới hàng hải mà họ tuyên bố chủ quyền và những tài nguyên kinh tế tại những khu vực ấy.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc - tờ báo mang đậm quan điểm dân tộc chủ nghĩa - còn nói rằng, các quốc gia khát năng lượng quanh Biển Đông đã khai thác tài nguyên dầu khí của Trung Quốc trong nhiều năm.
Triệu Anh, một học giả tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc lớn tiếng kêu gọi: “Giá trị các nguồn tài nguyên tự nhiên của Biển Đông rất rộng lớn. Những công nghệ hiện tại sẵn sàng để Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên ở đó. Nỗ lực bảo vệ hoạt động của mình cũng như ngăn chặn nước ngoài thăm dò trái phép trở nên có ý nghĩa và cần thiết”.
Theo các quan chức Trung Quốc, tính đến giữa năm 2010, hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí được phát hiện ở Biển Đông, hầu hết ở khu vực nước sâu từ 500 - 2.000 mét.
Trong tháng 2, một thông tin do đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác ở Biển Đông trong tương lai gần”, giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa nói trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của công ty năm 2011.
Giàn khoan mới của Trung Quốc - giàn khoan đầu tiên trong hàng loạt giàn khoan được lên kế hoạch xây dựng - đã “trình làng” vào ngày 23/5 và được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nước này. Nó có thể khiến Trung Quốc không còn phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài trong hoạt động khoan biển sâu và cho phép họ thăm dò vùng biển sâu tới 3.000 mét, gấp sáu lần so với trước đây.
Những toan tính
Số tiền đầu tư để xây dựng giàn khoan CNOOC 981 vào khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD). Nhà thầu là Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) đã mất hơn 3 năm để hoàn thành. Giàn khoan dầu khổng lồ này dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn. Với kích cỡ mặt sàn bằng sân bóng đá chuẩn, nó có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan khoảng 12.000m chiều dài, theo số liệu của CSSC.
Cần chú ý rằng, các quốc gia như Việt Nam và Philippines khó có thể tìm kiếm và thăm dò dầu khí ở độ sâu như vậy. Lâm Bác Cường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói rằng: “Cần luôn luôn đi đầu khi cạnh tranh nguồn tài nguyên không tái tạo được ở các khu vực biển tranh chấp cũng như các nguồn tài nguyên không vô hạn”.
Gần đây, Trung Quốc và Philippines cũng có tranh cãi về quyền năng lượng ngoài khơi ở Biển Đông. Manila đã chính thức gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên LHQ. Philippines phản đối mạnh mẽ về vụ việc ngày 2/3 khi hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí Philippines ở Reed Bank (Bãi Cỏ rong), cách phía tây đảo Palawan của Philippines khoảng 250 km.
Ngày 25/3, hai ngày sau khi Bộ Năng lượng Philippines công bố cuộc thăm dò địa chấn ở Reed Bank đã hoàn thành, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo: “Bất kỳ hành động của quốc gia hay công ty nào thăm dò dầu khí ở vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, sẽ là trái phép và không hợp lệ”.
Cho dù khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh hải quân đang ngày càng lớn mạnh để bảo vệ giàn khoan mới nếu nó được đưa tới khu vực phía nam Biển Đông vẫn còn đang bỏ ngỏ thì chỉ một giàn khoan khổng lồ cũng đã đủ biểu trưng cho sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng của nước này.
Và như vậy, mặc dù không mang vũ khí, nhưng bất kỳ nỗ lực nào của lực lượng quân sự Đông Nam Á nhằm hạn chế hoạt động của giàn khoan khổng lồ ở Biển Đông cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ trả đũa từ Bắc Kinh. Nó cũng có thể gây ra thảm họa ô nhiễm nếu giàn khoan tiến hành khoan hoặc sản xuất dầu trong khu vực kéo theo sự can thiệp của nước nào đó chịu tổn thất chính yếu bởi họ ở khoảng cách đối mặt với nguy cơ dầu tràn gần hơn nhiều so với Trung Quốc.
-
Thái An (Theo japantimes)