- Tỷ lệ người lao động muốn nhận BHXH một lần hiện rất cao. Nếu điều 60 sửa lại theo luật cũ sẽ khiến nhà nước phải dành một khoản ngân sách lớn để lo cho người dân khi về già.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí bên hành lang QH hôm nay, sau khi Bộ trưởng LĐ-TB-XH đề nghị QH sửa lại điều 60 của luật BHXH.

Lợi lâu dài

Đưa ra cảnh báo trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện bình quân mỗi năm khoảng có 500 ngàn người ra khỏi hệ thống, vào cũng tương đương. Với số "vào và ra" cân bằng như vậy, ông khẳng định không thể đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

{keywords}
Ông Bùi Sỹ Lợi: 72% lao động chỉ làm từ 1-3 tháng đã rút BHXH một lần. Ảnh: Minh Thăng

"Hiện nay có 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên và ngân sách phải bỏ ra 3,5 nghìn tỷ, nay nâng lên thì ngân sách phải bỏ ra khoảng 7 nghìn tỷ/năm thì rõ ràng rất khó khăn" , ông Lợi dẫn chứng.

Theo Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, việc Chính phủ trình sửa điều 60 bảo đảm quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp, đem lại lợi ích cho người lao động, bảo đảm đúng quy trình làm luật. 

Nhưng khi luật được ban hành, một bộ phận người lao động không đồng ý do thị trường lao động chưa hoàn thiện, việc làm chưa biền vững, đời sống khó khăn, lương tối thiểu mới đáp ứng được 70% nên người ta mong muốn lấy tiền này để trước mắt làm việc kiếm sống nuôi bản thân và gia đình.

"Trong 5 năm 2010-2015, số vào hệ thống là 2,5 triệu người, số ra là 2,3 triệu. Nhưng quan trọng là 72% lao động chỉ làm 1-3 tháng đã rút tiền BHXH một lần. Vậy có phải tất cả khó khăn không? Chưa phải.

Nếu người lao động khó khăn chúng ta đồng tình và đã xử lý. Nhưng quan trọng là trong 5 năm có 2,3 triệu người ra nhưng có đến 1 triệu người làm có 1 năm đã rút ra thì có nghĩa chưa đầy 1 năm đã lấy một lần, tối đa vẫn được 2 tháng lương, thì rõ ràng là người ta lợi dụng. 

Nhưng nếu người lao động đã làm 2-3 năm trở lên mà ra thì chính người lao động bị thiệt vì phải đóng 2,4 tháng mà khi về chỉ được 2 tháng" - ông giải thích.

Theo ông Lợi, QH xem xét sửa điều 60 bởi thấy đây là nguyện vọng, ý chí của người lao động nên trước mắt xử lý linh hoạt để người lao động lựa chọn đâu là tốt. 

Nhưng về dài phải tuyên truyền để người lao động thấy điều 60 hoàn toàn vì mục tiêu, quan điểm, lợi ích an sinh xã hội của người lao động và rất nhân văn.

Người lao động bị "bán lúa non"?

Tiền BHXH như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm, kể cả cơ quan quản lý quỹ BHXH.

Có người nói rằng, đóng BHXH không may bị chết thì không được hưởng là hoàn toàn không đúng.

Đòi hỏi của người lao động muốn nhận BHXH một lần do thị trường lao động chưa ổn định, theo ông điều này có thuộc trách nhiệm nhà nước hơn?

Đúng là của nhà nước. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thị trường lao động. Khu vực chính thức là người lao động làm việc có quan hệ lao động. Có quan hệ lao động là có trụ cột quan trọng: BHXH, BHYT. Nhà nước chăm lo toàn diện hơn cho đời sống người lao động.

Thời kỳ bao cấp có ai về một lần vì ký hợp đồng dài hạn. Nay vào Nhà nước và doanh nghiệp ký hợp đồng 3 tháng, 1 năm nên thấy bấp bênh nên thanh toán 1 lần để lo việc khác. Đây là điều đương nhiên trong quá trình hoàn thiện thị trường lao động.

Cũng có ý kiến lo ngại là tình trạng thu gom sổ BHXH?

Người lao động cho cai đầu dài thu sổ BHXH để thanh toán một lần cho người lao động lấy chênh lệch. Người lao động chỉ được khoảng 70%, còn anh làm thuê được 30%. Thu gom sổ BHXH của người lao động phổ biến trên thị trường để làm hộ chính sách BHXH cho người lao động không khác nào hình thức bán lúa non.  

Vì vậy phải tuyên truyền cho người lao động thấy khi đã khó khăn rồi thì đến cơ quan BHXH để làm thủ tục hưởng một lần, không mất đồng nào với cai đầu dài.

Với cơ quan nhà nước có trách nhiệm, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ sổ BHXH. Phải thanh toán đúng người, đúng việc, không để tình trạng người lao động không ốm đau gì mà lại có người đi làm thuê. 

Cơ quan BHXH đã phát hiện vấn đề và chúng tôi cũng kiến nghị phải quản lý chặt chẽ, không để người lao động bị thiệt.   

Thu Hằng - Thúy Hạnh (ghi)