- Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, UB Tư pháp đề nghị quy định việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung.

Thẩm tra dự án luật Tạm giữ, tạm giam do Bộ trưởng Công an trình tại phiên họp chiều nay. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề cập việc giám sát hỏi cung xuất phát từ tình trạng bức cung, nhục hình gây bức xúc dư luận. Tình trạng này chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, tiền khởi tố trong nhà tạm giữ, trại tạm giam.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

Ngoài ra, việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai cũng như việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất cũng phải được giám sát. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.

Tạm giam mà ăn, ở cùng tội phạm là không phù hợp

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang giải thích, ngoài những quyền bị hạn chế quy định, những người bị tạm giam, tạm giữ vẫn còn quyền con người, các quyền khác theo quy định của Hiến pháp.

{keywords}

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang

Do vậy, dự thảo luật đã xây dựng theo nguyên tắc người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và các luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, UB Tư pháp cho rằng, chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Liên quan đến quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam, ông Hiện cho biết có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng không nên quy định quyền khởi kiện trước tòa án của người bị tạm giữ, tạm giam.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu quy định quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

Cũng liên quan đến quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giam, tạm giữ, UB Tư pháp cho rằng việc thực hiện chung một chế độ về ăn, ở, mặc, sinh hoạt, chữa bệnh của người bị tạm giữ, tạm giam giống như người đang chấp hành án phạt tù là không phù hợp.

Ngoài ra một số ý kiến cho rằng, quy định biện pháp kỷ luật cùm chân đối với người vi phạm nội quy của cơ sở giam, giữ là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Theo Bộ Công an, từ năm 1998 đến hết năm 2014, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người. Cả nước hiện có 83 trại tạm giam, 734 nhà tạm giữ và 224 buồng tạm giữ, đang trực tiếp quản lý giam giữ 47.827 người bị tạm giam, 1.010 người bị tạm giữ.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng