"Đây là tin tức tốt với tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói với phóng viên.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, người đã chọc giận chính quyền Mỹ bằng cách xuất bản những bức điện tín ngoại giao mật, vẫn tiếp tục ở trong trại giam khi một tòa án Anh từ chối việc ông được bảo lãnh xung quanh một vụ việc hiếp dâm tại Thụy Điển.

Assange, người Australia 39 tuổi, hôm qua đã đầu hàng cảnh sát Anh sau khi Thụy Điển phát đi lệnh truy nã toàn châu Âu với ông. Assange từ chối mọi cáo buộc trong vụ việc trên, sẽ vẫn ở trong song sắt cho tới khi có một phiên toà khác diễn ra ngày 14/12.

Ông đã có thời gian ở Thụy Điển, và trong năm nay bị hai phụ nữ người Thụy Điển, là tình nguyện viên của WikiLeaks cáo buộc tội hiếp dâm.

WikiLeaks, trang web khiến cả Washington nổi xung vì việc công khai tài liệu mật gồm các thông tin trao đổi giữa Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán Mỹ trên thế giới, thề sẽ tiếp tục tung ra chi tiết của 250.000 bức điện tín mật mà họ nắm giữ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã hoan nghênh tin tức vụ bắt giữ ông chủ WikiLeaks. "Đây là tin tức tốt với tôi”, ông Gates nói với phóng viên trong chuyến đi tới Afghanistan.

Tại một phiên toà ở London, thẩm phán Howard Riddle nói rằng: "Có những lý do quan trọng để tin rằng, ông có thể bỏ trốn nếu được bảo lãnh”. Ông Howard cho rằng, Assange có quan hệ cộng đồng tương đối yếu tại Anh.

Trong khi đó, luật sư của người bị bắt, Mark Stephens, nói với báo chí là, một đơn xin bảo lãnh mới sẽ được đệ trình, và rằng thân chủ của ông “ổn”. "Chúng tôi có quyền kháng cáo ở một toà án cao hơn, và chúng tôi cũng sẽ trở lại tòa án địa phương vào một ngày khác”.

Theo Assange, rất nhiều người tin rằng, vụ việc này liên quan tới động cơ chính trị, rằng ông sẽ được “tự do và trắng án”.

Tuy nhiên, báo Aftonbladet dẫn lời một công tố viên Thụy Điển rằng, trường hợp này không phải là vấn đề cá nhân và không liên quan gì tới công việc của Assange với WikiLeaks.

Assange, mặc bộ comple màu xanh dương, áo sơ mi trắng mở cổ, đi tới toà án Westminster. Nhà báo người Australia John Pilger, đạo diễn phim người Anh Ken Loach và Jemima Khan, vợ cũ của chính khách Pakistan Imran Khan, tất cả đều muốn bảo lãnh để thuyết phục toà án là Assange sẽ không bỏ trốn.

Pilger, người đưa ra 20.000 bảng (31.600 USD), nói với toà án rằng: “Những cáo buộc chống lại ông tại Thụy Điển là vô lý”.

Chính phủ Mỹ và nhiều chính phủ khác trên thế giới đã cho rằng, việc công khai điện tín mật là vô trách nhiệm và có thể nguy hiểm tới an ninh quốc gia của họ.

Trang web WikiLeaks đã đóng cửa sau khi các nhà cung cấp dịch vụ từ chối hợp tác, nhưng WikiLeaks cho hay, giờ đây, có tới 750 trang web nhân bản - chứa tất cả những thông tin có trong trang chính và người sử dụng có thể truy cập - trên phạm vi toàn cầu. Điều này có nghĩa dữ liệu tới nay vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu độc giả. Tổ chức này cũng tuyên bố sẽ tung ra nhiều bức điện tín khác.

Luật sư tại Thụy Điển của Assange khẳng định, khách hàng của ông sẽ đấu tranh với việc dẫn độ và tin là có những thế lực nước ngoài đang ảnh hưởng tới Thụy Điển.

Swiss PostFinance, chi nhánh ngân hàng Swiss Post, đã đóng một tài khoản sử dụng để nhận tiền quyên góp cho WikiLeaks và dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal cũng ngừng tài khoản của WikiLeaks. Visa Europe hôm qua cho hay đã dừng mọi thanh toán cho trang web này.

  • Thụy Phương (Theo AP, Guardian)