- ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ GTVT hoàn toàn có quyền yêu cầu thẩm tra khi phát hiện sai trái nhưng nên làm một cách kín đáo, trước hết để thể hiện sự tôn trọng.

Bên hành lang QH, ĐB Dương Trung Quốc trao đổi với VietNamNet xung quanh việc Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT và một số cơ quan khác thẩm tra học vị tiến sĩ của ông Trần Đình Bá.

{keywords}

ĐB Dương Trung Quốc

Hành động của Bộ GTVT hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhất là khi ông Trần Đình Bá liên tiếp có những quan điểm “đối chọi” với Bộ, quan điểm của ông xung quanh sự việc này thế nào?

Theo tôi nên tách ra 2 việc. Thứ nhất, những ý kiến của ông Trần Đình Bá có gì đúng, sai, ta có thể tranh biện hết sức đàng hoàng trên cơ sở khoa học và mục tiêu chung là tăng cường hiệu quả định hướng.

Còn tư cách của ông ấy là chuyện khác. Nếu có chuyện ông Bá chưa có bằng tiến sĩ, cũng cần thiết kiểm tra nhưng nên làm một cách kín đáo, để trước hết là tôn trọng.

Còn khi đã có kết luận cuối cùng thì đương nhiên người sai trái phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước dư luận xã hội.

Có thể đây chỉ là cách làm thôi, nó rất dễ gắn kết 2 cái giữa ý kiến của ông Bá và cá nhân ông Bá. Nó là một con người thôi nhưng trước hết phải xem đó có phải là ý kiến xác đáng hay không.

Hơn nữa cũng không nhất thiết cứ phải người có bằng cấp cao mới có ý kiến tiến bộ.

Còn nếu có chuyện sử dụng bằng cấp sai thì cá nhân ông Bá phải chịu trách nhiệm.

Việc yêu cầu thẩm tra học vị của một cá nhân có phải là việc của Bộ GTVT không hay thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT?

Việc Bộ GTVT phát hiện là hoàn toàn có quyền, cũng giống như một công dân bình thường khi phát hiện có sự sai trái thì có quyền tố cáo nhưng cách làm như nào mới là quan trọng.

Mình có thể phát hiện, tố cáo gì đó nhưng phải hết sức thận trọng, nhất là mình là cơ quan đang có đối thoại với người ta thì mình lại càng phải giữ ý để người ta không hiểu sai mình.

Còn việc phát hiện ra cái sai đó là trách nhiệm nhưng cách làm tôi cho là không ổn.

Vậy theo ông, với trường hợp này nên làm thế nào?

Đầu tiên cứ phản biện trên cơ sở nội dung của ông ấy, cái gì đúng, cái gì sai, cái gì tiếp thu, cái gì phản bác.

Thứ hai, nếu phát hiện những sai trái với nhân thân ông ấy thì không thiếu kênh để cho các cơ quan họ thẩm tra có trách nhiệm. Đến khi nó có kết luận rồi thì chúng ta có thể ứng xử theo đúng quy định của pháp luật.

Chứ bây giờ tạo ra tâm lý, từ việc chung trở thành quan hệ cá nhân thì rất không nên.

Trước đó Bộ GTVT từng mời ông Bá tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học về ngành hàng không với tư cách tiến sĩ, giờ lại yêu cầu thẩm tra học vị, vậy nên hiểu việc này như thế nào, thưa ông?

Có thể có lúc mời người ta chưa nhận ra, giờ có phát hiện mới thì họ có quyền đặt vấn đề nhưng đặt vấn đề theo kênh nào và phương cách nào để nó không phương hại đến mối quan hệ đối thoại đang có trên một lĩnh vực vì lợi ích chung.

Ông Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) từng đề xuất thực hiện đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM, từng thách cược 5 triệu USD với lãnh đạo Bộ GTVT về dự án nâng cấp khổ đường sắt để rút ngắn thời gian chạy tuyến Bắc - Nam.

Mới đây, ông Trần Đình Bá tiếp tục có ý kiến xung quanh dự án Cảng hàng không Long Thành khi cho rằng thiết kế sân bay này đạo ý tưởng từ Cảng hàng không Chek Lap Kok (Hong Kong).

Tuy nhiên ngay sau đó Bộ GTVT đã lên tiếng khẳng định, hình ảnh ông Bá đưa ra không phải là phối cảnh của sân bay Long Thành.

Thúy Hạnh ghi